Nhà thơ Phan Vũ: Thảng thốt thấy mình mơ Hà Nội

ANTD.VN - Gần 20 năm nhà thơ Phan Vũ chưa ăn Tết ở Hà Nội. Cứ mỗi lần có bạn từ  Hà Nội vào chơi là ông lại hỏi: “Hà Nội bây giờ thế nào? Phố phường ra sao?”, mặc dù ông biết Hà Nội giờ đổi thay nhiều lắm. Nhất là một Hà Nội trong tiềm thức của ông về “Em ơi, Hà Nội phố”, những vần thơ được ông chấp bút cách đây gần nửa thế kỷ trước khi trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội. 

Nhớ một bóng hình xưa

Tôi đến thăm nhà thơ Phan Vũ trong căn nhà vườn xanh rợp lá giữa Sài Gòn. Xung quanh phòng ông ở, màu kí ức, màu thơ, màu sơn dầu, màu khói thuốc tẩu, màu phong độ hào hoa… quyện lại với nhau, đánh bật màu tuổi tác nơi ông. Tôi cũng là kẻ xa Hà Nội.

Thế nên, mỗi lần gặp, hai bác cháu khơi gợi những câu chuyện về Hà Nội xưa. Ông càng kể càng nhớ, tái tạo chỉn chu theo từng lời bao thăng trầm cuộc sống, mà trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” chỉ là một phần nhỏ ông đã trải qua.

Dù đàm đạo với ông khá nhiều, tôi vẫn không tránh khỏi sửng sốt khi ông nhắc lại rất rõ ràng, rành mạch mỗi gương mặt người thân, bạn bè và kỉ niệm về Hà Nội - mảnh đất ông từng sống, gắn bó và yêu thương. Ông khoe bức tranh mới vẽ hồ Gươm ôm ấp tháp Rùa một cách háo hức, hân hoan, hồ hởi, thật như nhiều lúc ông tản bộ quanh hồ cũ cùng dòng suy nghĩ triền miên thời trai trẻ.

Tôi hỏi ông còn nhớ được bao nhiêu con đường, ông trầm ngâm, bần thần dõi theo đâu đó xa xăm một hồi lâu. Chẳng phải ông quên, cụ ông 92 tuổi chỉ hình dung ra bắt đầu từ ngôi nhà quen thuộc phố Hàng Bún rồi ngược lên phố Quán Thánh, chỗ mà ông hay qua nghe cô bạn thân chơi dương cầm.

Chẳng biết có phải nhớ một hình bóng xưa cũ mà ông nói: “Kinh thành Thăng Long bao thời nay luôn được tạo hóa ưu ái dành tặng những tuyệt sắc giai nhân, hồi ông còn trẻ cũng xuất hiện hình bóng “cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa!”. 

Nỗi lòng kẻ xa nhà 

Bàn qua chuyện văn chương thi phú, nhà thơ Phan Vũ có thể “nghịch chữ” thoải mái nhưng thơ ông vẫn chất chứa ưu phiền, trăn trở, tự vấn mình về tình yêu, tình bạn, tình phố… với nhân chứng là Hà Nội lúc nào cũng choán đầy tâm thức của ông.

Thi thoảng trong giấc mơ thấy mình được trở về Hà Nội mới có thể khiến ông dậy muộn hơn thời gian biểu cố định là 3 giờ sáng. Để rồi sau đó bên bàn cà phê, ông thuật lại, nào là gánh hàng quà sớm trên chuyến tàu điện ra Mơ, nào là quán cóc vỉa hè thoảng mùi chè thơm dân dã, nào là mùa chợ phiên, xe đạp chở hoa tỏa khắp phố phường ngõ ngách…

Ông luôn đợi ai đó đọc xong thơ ông mới viết, kể cả thơ cũ, ông xem như đấy là lời tâm sự của ông với người đọc. Chẳng hạn ông đưa tôi “Ký ức Hà Nội” như thấu hiểu nỗi lòng kẻ xa nhà mang nỗi hoài cổ ngổn ngang như tôi và chính ông.

Hoặc cô bạn tôi hay băn khoăn, vật lộn cuộc sống như khối rubic xoay dở thì ông lục lại bài “Tự họa” nhắn nhủ: “Treo đầu phận số/Chênh vênh bờ vực lối đi về/Thì đã thí thân cho cuộc chơi cợt nhả/Sá gì trượt chân lộn cổ/Vẽ mặt bôi râu cho đúng vai hề…/Bởi cô đơn chính là hình án/Giữa chợ đời còn rao bán tài hoa …”

Sẽ gặp thu vàng rực rỡ

Mỗi khi có bạn từ Hà Nội vào thăm, nhà thơ Phan Vũ luôn hỏi : “Hà Nội bây giờ thế nào? Phố phường ra sao ?”, dù ông thừa biết Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm, “tháng năm buồn xô lệch ngói âm dương” mất rồi. Hà Nội trong ông phải là cổ kính, dịu dàng, nền nếp, thanh lịch… chứ không xô bồ, chen lấn, huyên náo thế này. Ông chăm chú xem từng cuốn sách viết về Hà Nội mà bạn tôi nhờ tôi gửi tặng ông, hỏi thăm gia cảnh, công việc của người tặng và nhờ tôi gửi lời cảm ơn ngay khi ông nhận được sách.

Ông nói: “Tôi xa Hà Nội từ lâu lắm lắm, mà vẫn có người nhớ, quan tâm đến mình, tặng sách cho mình, tìm đến tận nhà hàn huyên với nhau. Thật là quý quá”.

Có cảm giác nhờ vậy ông bớt ưu phiền và có thêm cảm hứng để viết thơ, vẽ tranh. Ông còn nói, thấy khỏe khoắn hơn cả thời còn đi bộ đội! 

Gần 20 năm rồi, nhà thơ Phan Vũ chưa được gặp Tết Thăng Long. Hồi tưởng buổi hội ngộ với cố thi sĩ Nguyễn Bính trong một lần Tết xa quê, giọng ông nhuốm nhuộm màu bàng bạc, vọng từ quá khứ cần lao nhưng không kém phần khinh bạc nơi lớp người cầm bút bôn ba tha phương, của thế hệ văn nghệ sĩ cơ hàn, lầm than, bần cùng nhưng tài hoa hiếm có: “Tết này chưa chắc em về được/Em gửi về đây một tấm lòng/Sương muối gió may rầu rĩ lắm/Còn vài hôm nữa hết mùa đông”.

Ông viết cho bạn bè đã khuất những dòng thơ bộc bạch tận cùng gan ruột, trút hết nỗi niềm tri âm, tri kỉ. Lời chia sẻ tận đáy tâm can tình cảm chân thành, đẹp và đau, ngậm ngùi tiếc nuối. Hà Nội cho ông nhiều kỉ niệm vui và cũng giáng xuống ông bao nhiêu là nỗi buồn.

Dạo gần đây, Phan Vũ ước ao có cơ hội trở về Hà Nội, ấy là vào lúc thu vàng rực rỡ. Ông sẽ đọc “Em ơi, Hà Nội phố” với niềm hạnh phúc vô cùng tận. Khi nào còn chưa làm được điều này thì còn day dứt, bồn chồn, sốt ruột… vì ông vẫn rất nặng lòng tìm lại “mỗi góc phố một trang tình sử”. Tôi hoàn toàn tin ngày ấy sẽ đến, chắc chắn ông luôn đinh ninh và tin tưởng “Người dẫu ra đi vạn dặm dài/Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ”.