- PV: Ông từng chất vấn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ chưa trả lời chính xác có bao nhiêu phần trăm công chức ngồi chơi, xơi nước, vậy con số 100.000 người liệu có vội vã?
- Ông Chu Sơn Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội: Giảm biên chế là yêu cầu cấp bách hiện nay. Tôi ủng hộ làm mạnh chủ trương này. Tuy nhiên, tôi cũng còn những băn khoăn. Thứ nhất, không phải ngày một ngày hai làm được ngay mà cần có giai đoạn, thời gian, lộ trình nhất định. Thứ hai, để tinh giản được, phải xác định vị trí việc làm, trách nhiệm của vị trí công tác, công chức đó phải làm những việc gì. Tiếp đó, phải xác định được chính xác chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Trên cơ sở đó, mới biết đích xác nhu cầu tổng biên chế thế nào mới hoàn thành được khối lượng công việc hiện có. Dùng số hiện tại trừ đi số này sẽ ra chính xác con số biên chế cần phải tinh giản tại thời điểm hiện tại.
Đó mới là lời giải chính xác, khoa học. Tôi cho rằng, con số 100.000 biên chế phải tinh giản trong 6 năm tới là chưa chuẩn xác và có phần chủ quan.
- Đánh giá vị trí công việc thực tế đã làm nhiều song dường như chưa đi tới đâu?
- Đây là đánh giá con người nên phải hết sức thận trọng. Nếu vận dụng cách đánh giá đúng, ta sẽ tinh giản biên chế đúng đối tượng. Ngược lại, nếu phương pháp không đúng, có khi lại tinh giản người đang làm được việc và người đáng phải cho ra, lại được ở lại. Bởi vì, người làm được việc nhiều khi lại hay va chạm và mất lòng. Trong khi đó, người không làm được việc có khi lại được tín nhiệm vì không va chạm với ai cả và vẫn “hoàn thành nhiệm vụ”.
Thế nên, người đánh giá cán bộ có hoàn thành nhiệm vụ hay không, năng lực thế nào là rất quan trọng.
Phương pháp đánh giá phải hết sức khách quan và đúng thực chất cán bộ, chứ nếu đánh giá như hiện nay nhiều khi vẫn chưa khách quan.
- Có ĐBQH nói rằng, bộ máy của ta chỗ thừa cứ thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu, tinh giản có phải giải pháp cho vấn đề này?
- Không chỉ tinh giản biên chế trong cơ quan hành pháp mà cần làm đồng bộ. Phải tinh giản trong cả các cơ quan dân cử và đoàn thể chính trị - xã hội, tức là trong toàn bộ hệ thống. Đây là bài toán tổng thể. Nếu chỉ tính toán trong một vài đơn vị là chưa đầy đủ. Trước hết, phải sắp xếp lại, cân đối hài hòa trong bộ máy, chỗ thừa chuyển sang chỗ thiếu. Đơn cử, từ ngày 1-4 tới Hà Nội sẽ tách Từ Liêm thành 2 quận mới. Với 2 đơn vị hành chính mới, ta phải xét trên tổng thể toàn bộ TP. Không có chuyện lập 2 đơn vị mới thì nhận ào ạt vào mà phải xem xét, sắp xếp lại bộ máy hiện có để bố trí, điều động cán bộ cho phù hợp. TP sẽ không để phình bộ máy, sau khi sắp xếp điều động mà còn thiếu thì mới bổ sung.
- Thông tin tinh giản 100.000 công chức khiến nhiều người lo ngại có tiêu cực khi xét cán bộ phải “về vườn”, có khi làm tốt vẫn bị ra ngoài?
- Phương pháp đánh giá cán bộ ở đây rất quan trọng. Phải công khai, minh bạch, rõ từng tiêu chí. Không cho phép ai áp đặt ý kiến cá nhân vào chuyện này. Cùng với đó, phải cần quỹ thời gian. Cần công bố cụ thể vị trí công việc này phải hoàn thành việc A, B, C... Sau đó, có thời gian để cán bộ phấn đấu, tự thể hiện mình. Trên cơ sở đó, chúng ta mới xem xét, đánh giá. Cái khó là giảm ai, giảm vào thời điểm nào và có đúng đối tượng hay không?
- Nếu tinh giản 100.000 cán bộ, có ảnh hưởng tới bộ máy hành chính?
- Phải đánh giá hiện trạng rồi mới có con số cụ thể được. Có khi không chỉ tinh giản 100.000 người mà nhiều gấp đôi cũng nên. Nhưng nếu con số biên chế đã được xác định là đủ vận hành bộ máy rồi thì số lượng tinh giản dù có nhiều hơn nữa cũng không ảnh hưởng gì.
- Có nên đưa vào quy định cán bộ lãnh đạo nhưng quản lý yếu kém cũng thuộc diện tinh giản?
- Lãnh đạo cũng chỉ là một vị trí làm việc. Nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng phải “thanh lý” như nhân viên bình thường. Một sở có 1 giám đốc và 4 phó giám đốc phụ trách từng mảng việc, mỗi vị trí đã có đầu việc rồi, anh không hoàn thành thì cũng phải tinh giản, không có chuyện phân biệt ở đây.
- Lý thuyết là vậy song thực tế đánh giá lãnh đạo không đơn giản?
- Tất cả mọi việc đều khó. Nếu như chỉ đứng ở bên ngoài thì đều kêu khó nhưng cứ bắt tay vào làm thực tế rồi từng bước sẽ bớt khó. Quan trọng là công tác tổ chức và phương pháp thực hiện. Phải tránh, không được áp đặt chủ quan vào quá trình tinh giản biên chế, không để phát sinh khiếu nại phức tạp và phải đáp ứng được chủ trương đã được xác định, từ nay tới năm 2016 không được tăng biên chế. Tất nhiên, đây đúng là những việc khó, không đơn giản.
Tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận
một cửa huyện Từ Liêm
“Đến nay, có thể nói bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đây là vấn đề tiếp tục cần phải cải cách. Còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, tinh giản biên chế là một loại việc cần phải làm, nhằm tạo ra một nền hành chính đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Đích của chúng ta là nền hành chính phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Do vậy, việc tinh giản biên chế như hiện nay là cần thiết. Đây là công việc phải làm thường xuyên hàng năm.”