Cơ hội nào cho hòa bình Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp các vận động ngoại giao đang diễn ra dồn dập, “điểm nóng” ở Ukraine vẫn tiếp diễn và ngày càng ác liệt hơn. Triển vọng hòa bình cho Ukraine vẫn còn xa vời bởi đến nay vẫn chưa có cơ hội đối thoại trực tiếp giữa Nga và Ukraine.
Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Ukraine

Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Ukraine

Dồn dập các hoạt động ngoại giao

Xung đột nổ ra ở Ukraine là thất bại của những hoạt động ngoại giao trước đó. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các vận động ngoại giao đã không còn ý nghĩa. Kể từ khi xung đột nổ ra, Liên hợp quốc (LHQ) cùng các nước và các bên liên quan vẫn đang tích cực tìm kiếm lối thoát cho “điểm nóng” ở Ukraine thông qua đàm phán.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ) sau phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an (HĐBA), Tổng Thư ký LHQ Antonia Guterres nhấn mạnh: “Tại thời điểm quan trọng này, tôi kêu gọi ngừng bắn. Tôi kêu gọi các bên kiềm chế trong hành động và phát ngôn để tránh đưa tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Bây giờ là thời điểm để đối thoại, đàm phán”.

HĐBA LHQ cũng sẽ họp để biểu quyết về một Nghị quyết kêu gọi tiến hành phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Nếu Nghị quyết đề xuất được HĐBA thông qua, theo quy định, phiên họp Đại hội đồng LHQ sẽ được tổ chức sau đó và tiến hành bỏ phiếu nghị quyết về vấn đề Ukraine. Dù các Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc nhưng nó thể hiện thái độ của cộng đồng quốc tế trước những vấn đề quan trọng.

Dù là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) nhưng Hungary đã đề xuất trở thành quốc gia trung gian trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine liên quan tình hình căng thẳng hiện nay. Hungary có mối quan hệ song phương tốt đẹp với Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoại trưởng Hungary, ông Peter Szijjarto nêu rõ, Thủ đô Budapest của Hungary “là một địa điểm an toàn cho cả hai phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine”, đồng thời cho biết cả Mátxcơva và Kiev “đều không từ chối đề xuất này, bày tỏ sự cảm ơn và đang xem xét lời đề nghị” của Hungary.

Một thành viên khác của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Mátxcơva và Kiev. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã hối thúc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chấm dứt hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời nhắc lại việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa hai bên. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thì đã trao đổi với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng, Ankara đang nỗ lực làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng của Nga và Ukraine.

Nga và Ukraine, những nước trực tiếp đối đầu trong xung đột ở Ukraine, cũng chủ động với các đề xuất đối thoại. Chỉ một ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẵn sàng cử một phái đoàn tới Thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với Ukraine. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán để chấm dứt cuộc tấn công quân sự của Nga và về khả năng có một cơ chế trung lập cho Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng đất nước của ông cần có sự bảo đảm.

Đáng tiếc là cho đến nay, đối thoại trực tiếp giữa Nga và Ukraine chưa thể diễn ra bởi tranh cãi về điều kiện của hai bên. Nga cho biết sẵn sàng đối thoại với Kiev vào mọi thời điểm với điều kiện binh sĩ Ukraine chịu hạ vũ khí. Tuy nhiên, ông Oleksiy Arestovich, cố vấn người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết Ukraine từ chối đàm phán với Nga vì những điều kiện mà Nga đưa ra “không thể chấp nhận được” đối với nước này, đó là “nỗ lực buộc chúng tôi đầu hàng”.

Cuộc chiến sẽ đi đến đâu?

Chiều 25-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đình chỉ cuộc tiến công của các lực lượng Nga để chờ phản ứng của Ukraine với đề nghị đàm phán. Nhưng do Ukraine từ chối đàm phán, nên từ chiều 26-2, cuộc tiến công của các lực lượng Nga đã được tiếp tục. Vậy cuộc chiến này sẽ đi đến đâu?

Khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga tuyên bố mục tiêu của nước này là “phi quân sự hóa” Ukraine. Dù tuyên bố lúc đầu là “chiến dịch ở miền Đông Ukraine” nhưng trên thực tế, chiến sự diễn ra trên diện rộng là khắp Ukraine, tập trung vào các mục tiêu căn cứ quân sự, sân bay, trận địa tên lửa phòng không… Ưu tiên đầu tiên của Nga là hủy hoại tiềm lực quân sự của Ukraine để nước này không thể tạo mối đe dọa trong tương lại với Nga, đồng thời tạo lợi thế cho Nga trên bàn đàm phán.

Một mục tiêu khác của Nga là mở rộng khu vực kiểm soát của 2 nước Cộng hòa ly khai ở vùng Donbass là Cộng hòa nhân dân Donesk và Cộng hòa nhân dân Luhansk mà Nga vừa tuyên bố công nhận độc lập. Hiện nay, 2 nước Cộng hòa này mới chỉ kiểm soát được hơn 1/3 lãnh thổ Donbass. Chính vì thế, chiến sự ở khu vực Donbass trong những ngày gần đây rất ác liệt. Ngày 26-2, Nga đã chiếm được thành phố Melitopol với hơn 100.000 dân ở phía Nam Ukraina, mở đường cho việc mở rộng vùng kiểm soát ở Donbass.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang bị Mỹ và các nước NATO lên án. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đều khẳng định Mỹ và NATO sẽ không gửi quân đến Ukraine. Theo Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO, các nước thành viên cam kết rằng một cuộc tiến công quân sự chống một hoặc nhiều nước của NATO sẽ được coi là một cuộc tiến công chống tất cả các nước thành viên và các nước khác phải nhanh chóng giúp đỡ, kể cả sử dụng lực lượng vũ trang. Vì Ukraine không phải là thành viên NATO nên bảo đảm an ninh cho Ukraine không thuộc trách nhiệm của NATO.

Tổng thống Mỹ Joe Biden còn cho biết, ông sẽ không cử quân đội đến tham chiến với Nga ở Ukraine và đó là ranh giới mà Washington khó có thể vượt qua. Ngay cả khi tình hình Ukraine căng thẳng, Mỹ cũng không gửi quân đội Mỹ đến sơ tán những người Mỹ mắc kẹt ở Ukraine với lý do có nguy cơ xảy ra đụng độ. Trong một cuộc phỏng vấn với Kênh NBC News, Tổng thống Mỹ Joe Biden giải thích: “Đó là một cuộc chiến tranh thế giới khi Mỹ và Nga trực tiếp đối đầu với nhau”. Tuy nhiên, Mỹ và các nước NATO đang tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Để răn đe Nga và trấn an các nước thành viên NATO ở phía Đông giáp biên giới với Nga, lần đầu tiên trong lịch sử NATO đã triển khai lực lượng phản ứng nhanh, cả lực lượng không quân, hải quân, bộ binh và lực lượng đặc nhiệm. Theo ông Jens Stoltenberg, hơn 100 chiến đấu cơ đã được đặt trong trong tình trạng báo động cao, hoạt động ở hơn 30 vị trí khác nhau và hơn 120 tàu từ phía Bắc đã được điều đến Địa Trung Hải.

Đến nay, Nga mới đạt được một phần trong mục tiêu phá hủy tiềm lực quân sự của Ukraine và mở rộng kiểm soát vùng Donbass. Chiến sự ở Ukraine vẫn tiếp tục leo thang và lan rộng, đặt ra nhiều thách thức với an ninh châu Âu nếu những hoạt động ngoại giao không đem lại kết quả.