Có hệ thống 'Vòm Sắt' Israel, Ukraine có thể tạo bước ngoặt trên chiến trường?

ANTD.VN - "Vòm Sắt" Israel được coi là vũ khí phòng thủ hữu hiệu cho Ukraine trong bối cảnh họ liên tục hứng chịu các đòn pháo kích và không kích từ Nga. Hiện Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Tel Aviv cung cấp hệ thống đánh chặn này cho Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 20/3 đã kêu gọi các nhà lập pháp Israel từ bỏ thái độ trung lập và cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm Sắt" cho Ukraine.
Ông Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi này trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp Israel. Đây là bài phát biểu mới nhất trong loạt bài phát biểu của ông với các cơ quan lập pháp nước ngoài

"Giờ là lúc Israel phải đưa ra lựa chọn của mình", Tổng thống Zelensky nhấn mạnh.

Tổng thống Zelenskiy cũng đặt câu hỏi về sự lưỡng lự của Israel trong việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm Sắt" cho Ukraine.
"Mọi người đều biết hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel là tốt nhất. Và Israel chắc chắn có thể giúp người dân của chúng tôi", ông nói.
Trước đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có nhiều cuộc điện đàm với cả hai nhà đồng cấp là Tổng thống Zelenskiy và Tổng thống Nga Putin để cố gắng chấm dứt xung đột.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2, Thủ tướng Israel lựa chọn một đường lối ngoại giao thận trọng để tìm cách duy trì mối quan hệ hợp tác an ninh với Nga, nước có quân đội ở Syria, giáp biên giới phía bắc Israel.
Dù thế các quan chức Ukraine lại không đánh giá cao sự hòa giải của Thủ tướng Bennett, Tổng thống Zelensky hôm 20/3 ám chỉ rằng những nỗ lực của Israel đã được chứng minh là một bước không hiệu quả.

Trước bài phát biểu trên, Thị trưởng thành phố Tel Aviv, ông Ron Huldai cho biết ông cảm thấy “xấu hổ” vì phản ứng của đất nước mình.

"Chúng tôi đang làm quá ít và quá muộn. Chúng tôi phải làm nhiều hơn. Có những khoảnh khắc mà người ta không thể giữ yên lặng, và hôm nay, ngay bây giờ, chính xác là một trong những khoảnh khắc đó", ông Ron Huldai nói.

Hiện không rõ sau lời thỉnh cầu của Tổng thống Ukraine, Israel có cung cấp hệ thống này cho Kiev hay không. Mặt khác để chặn đón đánh từ Nga, Kiev phải sở hữu số lượng lớn Iron Dome. Giới quan sát cho rằng Tel Aviv khó lòng đáp ứng điều này.
Iron Dome là hệ thống phòng không tầm thấp nhất trong lưới lửa phòng không của Israel. Từ lâu, hệ thống đánh chặn biệt danh "Vòm Sắt" đã nổi tiếng là hệ thống đánh chặn tầm thấp thành công nhất thế giới, vượt xa hệ thống Pantsir-S1 Nga.
Khác với những hệ thống phòng thủ tầm thấp khác, Iron Dome tích hợp những thuật toán thông minh cho phép chúng chỉ đánh chặn những mục tiêu thực sự gây nguy hiểm. Còn những mục tiêu xác định rằng không gây ra mối đe dọa thì hệ thống này bỏ qua.
Lập trình này cho phép Iron Dome tận dụng đạn tên lửa đánh chặn. Mỗi quả đạn Tamir đánh chặn có giá khoảng 100.000 USD.
Iron Dome khi cần thiết chỉ cần bật chế độ tác chiến tự động, hệ thống sẽ tự nhận diện mục tiêu và đánh chặn ngay khi chúng thấy mối nguy hiểm.
Đặc biệt, ngay cả khi hệ thống Iron Dome đã khai hỏa, kíp chiến đấu vẫn có thể hủy quả đạn nếu phát hiện mình bắn nhầm. Đây là điều mà ít có hệ thống phòng thủ tầm thấp nào làm được.
Hệ thống Iron Dome được bắt đầu nghiên cứu chế tạo vào năm 2005 và ra mắt công chúng vào năm 2011.
Đạn tên lửa của Iron Dome có tầm tác chiến hiệu quả từ 4 km tới 79 km, với cơ chế dẫn đường đặc biệt nó có thể phá hủy ngay cả đạn pháo siêu tốc.
Mỗi xe mang phóng của Iron Dome có cơ số đạn gồm 20 quả tên lửa được đặt trong các ống phóng. Một khẩu đội thường là 3 xe mang phóng với 60 quả tên lửa đủ để tạo thành lưới lửa phòng thủ trước mỗi đợt tấn công của đối phương.

Hệ thống này cũng có khả năng thay đạn nhanh chóng bằng cách thay cả cụm ống phóng đã chứa sẵn tên lửa. Việc thay đạn nhanh có ý nghĩa sống còn trong chiến đấu.

Khi radar phát hiện ra vật thể bay thù địch, hệ thống xe chỉ huy của Iron Dome sẽ tính toán quỹ đạo bay và tính ra chính xác tọa độ rơi của quả đạn.
Tên lửa đánh chặn từ Iron Dome lúc này được kích hoạt và tiêu diệt mục tiêu ngay còn khi chúng còn đang bay trên không từ độ cao lớn, để tránh gây sát thương cho thường dân bên dưới.
Theo phía Israel công bố, kể từ khi được triển khai từ tháng 3/2011 cho tới tháng 11/2012, Iron Dome đã đánh chặn được hơn 400 quả đạn được phóng ra từ pháo phản lực vào lãnh thổ nước này, đạt hiệu suất đánh chặn thành công trên 90%.
Quân đội Israel cho biết, trong 11 ngày giao tranh vào tháng 5/2021 vừa qua, Hamas và các nhóm vũ trang Hồi giáo khác ở Gaza đã phóng 4.070 quả rocket về phía Israel, phần lớn nhằm vào các khu vực đông dân cư, nhưng hầu hết bị hệ thống phòng không "Vòm Sắt" của nước này đánh chặn.
Với những gì đã và đang thể hiện Iron Dome được xếp vào nhóm hệ thống đánh chặn tầm thấp hiệu quả nhất thế giới.
Mỹ là quốc gia nước ngoài đầu tiên biên chế hệ thống này. Được biết Washington đã bỏ ra khoảng 1 tỷ USD để sở hữu các tổ hợp Iron Dome.
Ngoài ra Mỹ còn đầu tư một khoản tiền cực lớn để giúp Israel nghiên cứu và tăng tầm bắn cũng như hiệu suất chiến đấu của tộ hợp Iron Dome.