Cổ đông ngân hàng nào sẽ nhận cổ tức tiền mặt ngay trong quý I/2023?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai ngân hàng là VIB và TPBank đã lên kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt ngay trong những tháng đầu năm 2023 này.

HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB – Mã chứng khoán: VIB) vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Cụ thể, ngân hàng sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền tạm ứng gần 2.108 tỷ đồng.

Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối, gồm lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế 3 quý đầu năm 2022 là 1.542,67 tỷ đồng.

Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông VIB được nhận tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 là ngày 10/2 tới đây và ngày thực hiện chi trả tạm ứng dự kiến là 3/3/2023.

Trước đó, VIB đã công bố Nghị quyết ĐHCĐ, trong đó, dựa trên dự phóng lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 là 8.400 tỷ, ngân hàng này có thể chia cổ tức tiền mặt lên đến hơn 28%.

Trong khi đó, kết thúc năm 2022, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế của VIB đạt 8.461 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với năm 2021 và tương đương với dự phóng nêu trên.

Cổ đông một số ngân hàng có thể được nhận cổ tức tiền mặt ngay trong quý I/2023

Cổ đông một số ngân hàng có thể được nhận cổ tức tiền mặt ngay trong quý I/2023

Trước VIB, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã chứng khoán: TPB) cũng đã công bố tài liệu lấy kiến cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức trong năm 2023.

Theo đó, TPBank dự kiến sẽ trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Thời gian chi trả cũng dự kiến ngay trong quý I/2023.

Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Lợi nhuận còn lại và các quỹ thặng dư lũy kế đến hết năm 2022 đạt hơn 13.364 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.486 tỷ đồng.

Ngoài 2 nhà băng trên thì VPBank, ACB dự kiến sẽ là những cái tên tiếp theo sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tại đại hội cổ đông năm 2022, chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đã “hé lộ” kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt của nhà băng này. "Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội Cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm" – lãnh đạo VPBank nói.

Nếu kế hoạch này được hiện thực, đây cũng sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017.

Còn tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

Như vậy, nhà băng này dự kiến tái khởi động chia cổ tức tiền mặt sau 8 năm cổ đông chỉ được nhận cổ phiếu (lần gần nhất cổ đông ACB được trả cổ tức tiền mặt 7% vào năm 2015).

Dù vậy, đến thời điểm này, cả VPBank và ACB đều chưa tiến hành các thủ tục liên quan cho kế hoạch chia cổ tức.

Việc các ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền là tin vui cho cổ đông các ngân hàng sau nhiều năm, thậm chí hàng chục năm chỉ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, do các ngân hàng phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, nâng cao tiềm lực, phục vụ việc mở rộng kinh doanh, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn.

Đặc biệt trong 3 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt để tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong số các ngân hàng niêm yết chỉ có 3 “ông lớn” nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính – là cơ quan đồng quản lý vốn nhà nước tại các ngân hàng này.