Bức thiết nhu cầu tăng vốn của 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) mong muốn sớm được phê duyệt, triển khai phương án tăng vốn ngay đầu năm 2023.

Vốn mỏng, hệ số an toàn vốn bị đe dọa

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 180,3 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.060,3 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.618,2 nghìn đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.151,4 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian qua, NHNN này đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính. Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ.

VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng phê duyệt phương án. Vietcombank cũng được Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019 với tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng.

BIDV được Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.

Dù vốn điều lệ của 4 ngân hàng đã được bổ sung, nhưng việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Điều này ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.

Các ngân hàng quốc doanh có tốc độ tăng vốn chậm hơn nhiều so với nhóm ngân hàng cổ phần

Các ngân hàng quốc doanh có tốc độ tăng vốn chậm hơn nhiều so với nhóm ngân hàng cổ phần

Theo thống kê, tính đến tháng 10/2022, Hệ số CAR của các ngân hàng quốc doanh nước ta chỉ đạt 9,04%. Mức này đang rất thấp so với các nước trong khu vực, như Philippines (16,29%), Singapore (17,2%), Malaysia (18,3%), Thái Lan (19,3%), Indonesia (23,3%).

Hơn nữa, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện Basel III, hoặc một phần Basel III, trong khi Việt Nam mới thực hiện Basel II. Nếu tình trạng mỏng vốn này kéo dài, khối ngân hàng Big 4 khó có bệ đỡ thanh khoản để có thể hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều rủi ro như hiện nay.

Ngân hàng muốn được tăng vốn ngay từ đầu năm

Theo lãnh đạo Agribank, năm 2022, huy động vốn nhà băng này đạt gần 1,68 triệu tỷ đồng, tín dụng đạt 1,45 triệu tỷ đồng, với 65% dư nợ phục vụ cho “tam nông”.

Dù đóng vai trò là một công cụ thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, song lãnh đạo Agribank cho biết ngân hàng này đang đứng trước nhiều khó khăn về hệ số an toàn vốn nếu không được tăng vốn điều lệ.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, do vốn điều lệ thấp, nên theo quy định, với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) để tăng trưởng tín dụng. Chính vì vậy, năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

Do đó, Chủ tịch Agribank cho rằng, cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết, bởi chỉ khi đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023, Agribank mới có nguồn lực để phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông.

“Chính phủ cần triển khai việc tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua”, ông Phạm Đức Ấn kiến nghị.

Đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh đã cổ phần hóa, việc tăng vốn dù dễ dàng hơn Agribank song vẫn rất chậm.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, CAR của các ngân hàng này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

“Vietcombank rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 và 2020 sau khi trích lập các quỹ. Nội dung này đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ” – ông Phạm Quang Dũng kiến nghị.

Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình Đại hội đồng cổ đông tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước (nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính đồng ý về chủ trương).