Chuyện tình lãng mạn hóa bi kịch của thanh niên người Anh ở Dubai

ANTD.VN -  Chuyện tình lãng mạn trong kỳ nghỉ là chủ đề của nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới nhưng không dành cho Marcus Fakana, 18 tuổi, thanh niên người Anh đang phải đối mặt với án tù 1 năm ở Dubai.

Bất ngờ vướng lao lý

Chàng trai đến từ London đang đi nghỉ cùng gia đình ở Dubai vào tháng 9-2024 thì gặp một nữ sinh người Anh khác tại khách sạn và họ bắt đầu để ý đến nhau. Cặp đôi này dự định sẽ tiếp tục mối quan hệ vừa chớm nở khi về tới London.

Marcus Fakana, 18 tuổi, đã bị tuyên án tù một năm tại Dubai vào ngày 11-12-2024

Nhưng khi cô gái 17 tuổi trở về Anh, mẹ cô phát hiện ra mối quan hệ này và báo cảnh sát Dubai về Fakana. “Thật là kinh hoàng. Tôi bị đưa ra khỏi khách sạn mà không được giải thích lý do. Tôi không được phép gọi điện cho bất kỳ ai, kể cả cha mẹ tôi”, Fakana kể.

Độ tuổi quan hệ tình dục đồng thuận ở Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất là 18 tuổi, trong khi cô gái vẫn là trẻ vị thành niên vào thời điểm quan hệ với Fakana. “Tôi không có ý định vi phạm pháp luật, thậm chí còn không biết cô ấy chỉ còn 1 tháng nữa là đủ 18 tuổi”, Fakana kể và cho biết, không biết đến điều đó vì cả hai học cùng khóa.

Thiếu niên này rất hối hận vì đã vi phạm pháp luật nhưng đang kháng cáo để có thể hủy bỏ bản án và về nhà đón Giáng sinh cùng gia đình.

Gặp rắc rối vì thiếu hiểu biết

Dubai, thành phố lớn nhất của Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, đã đón kỷ lục 17,15 triệu du khách quốc tế vào năm ngoái và sân bay của thành phố này phục vụ 87 triệu hành khách, trở thành sân bay bận rộn thứ hai trên thế giới. Nhưng hầu hết du khách đều không biết hệ thống pháp luật của quốc gia này dựa trên cả luật dân sự và luật Sharia của Hồi giáo. Do đó, trường hợp của Fakana chỉ là ví dụ mới nhất về rắc rối mà một người nước ngoài tình cờ gặp phải ở thành phố này.

Dubai, một trong những thành phố thu hút lượng du khách lớn nhất thế giới

Luật về quan hệ nam-nữ, rượu và hoạt động trực tuyến là một số vấn đề mà khách du lịch thường gặp nhất. Mặc dù việc tiêu thụ rượu là hợp pháp tại các địa điểm được cấp phép ở Dubai và văn hóa tiệc tùng phổ biến nhưng bất kỳ ai bị phát hiện có rượu trong người ở nơi công cộng đều có thể bị buộc tội say rượu nơi công cộng hoặc tiêu thụ rượu mà không có giấy phép.

Một vấn đề gây nhầm lẫn khác là luật về tội phạm mạng của quốc gia này, bao gồm các hoạt động trực tuyến của tin tặc và khủng bố đến các bình luận không thân thiện và quảng bá cho các tổ chức từ thiện. Các luật này có hiệu lực hồi tố và quốc tế, do đó, bất kỳ điều gì bạn chia sẻ trực tuyến trước khi đến UAE vẫn có thể dẫn đến việc bị truy tố sau khi đến nơi.

Năm nay, một người Ireland 39 tuổi đã bị giam giữ tại Dubai trong 3 tháng vì gửi “biểu tượng cảm xúc đe dọa” và một người Bắc Ireland đã bị giam giữ trong 2 tháng vì đánh giá tiêu cực trên Google.

Mặc dù UAE có một trong những tỷ lệ tù nhân nước ngoài cao nhất thế giới nhưng hầu hết những người bị giam giữ tại UAE đều không phải ngồi tù. Ông Azaan Salahuddin, đối tác quản lý tại công ty luật Al Adl Legal có trụ sở tại Dubai cho biết, việc áp dụng nghiêm ngặt các luật này là cần thiết để duy trì an toàn và an ninh công cộng.

Ông Azaan Salahuddin chỉ ra tỷ lệ tội phạm thấp tại Dubai, số liệu chính thức của cảnh sát ghi nhận chỉ có 24,6 tội phạm trên 100.000 người vào năm 2023. Theo ông Salahuddin, sự thiếu hiểu biết không phải là cái cớ và mỗi du khách có trách nhiệm phải biết luật trước khi ra nước ngoài. Trong trường hợp của Fakana, “rõ ràng là cô gái chưa đủ tuổi đồng ý quan hệ, đơn giản là như vậy”.

Ngoại trưởng Anh David Lammy cũng đồng ý với quan điểm này: “Dù đến đâu trên thế giới, bạn phải tuân thủ các quy tắc và luật pháp theo quốc gia đó. Bộ Ngoại giao đã nêu rõ về các quy tắc này trên trang web của mình”. Bộ Ngoại giao Anh đang thường xuyên liên lạc với gia đình và nhóm luật sư của thanh niên Fakana.

Không phải là trường hợp hy hữu

Mặc dù vậy, có nhiều người vẫn cảm thấy hệ thống pháp luật của UAE và nhiều luật lệ khó hiểu. Vào tháng 7 năm nay, Tori Towey, một tiếp viên hàng không người Ireland 28 tuổi của Hãng hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai, đã phải đối mặt với án tù 6 tháng vì cố gắng tự tử và uống rượu.

Tori Towey phát biểu với giới truyền thông sau khi về nước tại Sân bay Dublin vào ngày 11-7-2024

Towey đã sống ở Dubai một năm, nhưng bị bạn đời bạo hành sau khi họ chuyển đến sống chung. Cô đã trình báo về nạn bạo lực gia đình với cảnh sát, nhưng đối tác kiện trả đũa, dẫn đến lệnh cấm đi lại khiến cô không thể làm việc hoặc rời khỏi đất nước. “Cảnh sát nói với tôi rằng nếu tôi hủy bỏ vụ kiện, lệnh cấm đi lại của tôi sẽ được dỡ bỏ, nhưng điều đó đã không xảy ra”.

Tuyệt vọng, cô gái tự tử vào tháng 5-2024 nhưng bất thành và khi tỉnh lại, thấy mình đang ở đồn cảnh sát. Ở UAE, tự tử là bất hợp pháp. “Tôi phải tự mình tìm hiểu xem bị cáo buộc gì. Luật sư thậm chí sẽ không phối hợp nếu không có 20.000 dirham (khoảng 5.400 USD) trả trước”, cô nói.

Cuối cùng, Towey đã nhận được tư vấn pháp lý từ các tổ chức chuyên giúp những người bị bắt vô cớ ở Dubai. Với áp lực từ chính phủ Ireland và sự chú ý của giới truyền thông, các cáo buộc đối với cô đã bị hủy bỏ và Towey được trở về nhà.

Tương lai không chắc chắn

Trong khi đó, cha mẹ của Fakana phải trở về Anh để làm việc và cậu phải ở lại Dubai một mình. “Tôi đã ở đây 4 tháng, điều đó thật căng thẳng và tốn kém”.

Vụ án của Fakana đáng lẽ chỉ cần xét xử tại tòa án dành cho các tội nhẹ, nhưng hồ sơ cảnh sát khai sai tuổi của anh là 19 và quốc tịch của anh là người Pakistan, có thể dẫn đến một bản án khắc nghiệt hơn.

“Tôi nghe nói họ có thể phạt tiền rồi trục xuất, tôi đang cầu xin điều đó. Đây đúng là biến cố cuộc đời khiến tôi thực sự tỉnh ngộ”, anh nói.