Chuyện “lạ” bất động sản

(ANTĐ) - Nhiều dự án đình đám hàng tỷ USD theo đuôi nhau xuất hiện, cuộc đua tranh quyết liệt để chiếm vị trí tòa nhà cao nhất Việt Nam, siêu lợi nhuận và siêu lỗ 300% sau 30 ngày đầu tư, bồi thường dự án tới 600 triệu đồng/m2 đất... Đó là những câu chuyện - kỷ lục chưa từng có của bất động sản năm 2010.

Chuyện “lạ” bất động sản

(ANTĐ) - Nhiều dự án đình đám hàng tỷ USD theo đuôi nhau xuất hiện, cuộc đua tranh quyết liệt để chiếm vị trí tòa nhà cao nhất Việt Nam, siêu lợi nhuận và siêu lỗ 300% sau 30 ngày đầu tư, bồi thường dự án tới 600 triệu đồng/m2 đất... Đó là những câu chuyện - kỷ lục chưa từng có của bất động sản năm 2010.

Đua tranh ngôi “đỉnh” nhất

Dù kinh tế thế giới và trong nước còn khá bấp bênh song bất động sản năm 2010 vẫn xuất hiện không ít siêu dự án tỷ USD. Đứng đầu về quy mô vốn đăng ký là dự án Khu du lịch tổng hợp cao cấp Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận với 4,5 tỷ USD. Xếp ngay sau là dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An với tổng vốn 4 tỷ USD. Còn rất nhiều các dự án tỷ USD như vậy rải đều 3 miền Bắc - Trung - Nam như Khu giải trí Happyland có vốn đầu tư gần 2 tỷ USD; Dự án sân golf khách sạn 2 tỷ USD Hoàng Đồng Lạng Sơn ở thị trấn Cao Lộc (Lạng Sơn); Dự án Khu đô thị sinh thái du lịch nghỉ dưỡng thể thao Tam Nông với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD...

Tháp Keangnam hiện đang là tòa nhà cao nhất Hà Nội

Nhiều người hẳn còn nhớ, giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khách sạn Daewoo Hà Nội xuất hiện như một ngôi sao sáng đã xô đổ kỷ lục 11 tầng được giữ trong nhiều năm của khách sạn Hà Nội. Nay, đi qua nút giao thông Daewoo, mới thấy “người hùng” này thật quá khiêm tốn so với những gã cao kều mới trong thế kỷ 21 của Hà thành. Chỉ sau hơn 2 năm thi công, tổ hợp Keangnam Hanoi Landmark Tower đã cơ bản hoàn thành phần thô. Đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam đã được xây dựng với 70 tầng và chiều cao 336m.

Tuy nhiên, kỷ lục của tổ hợp Keangnam đang bị “đe dọa” bởi dù có số tầng ít hơn (68 tầng), nhưng dự án VietinBank Tower lại cao tới 362m. Dự án nằm trong quần thể khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam làm chủ đầu tư. Công trình đã được động thổ vào ngày 20-10-2010 vừa qua. Song, kẻ “khủng bố” còn tiếp tục ở phía sau với dự án tòa nhà 102 tầng trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Đại Dương và Tổng công ty Xây lắp dầu khí - PVN Tower. Chiều cao dự kiến của tòa nhà này, theo công bố của nhà đầu tư, lên tới 400m!

Siêu lợi nhuận chưa từng có

Năm 2010 ghi nhận nhiều cơn sốt nóng cục bộ kỳ lạ và đáng nhớ của thị trường bất động sản. Kinh khủng nhất là cơn sốt đất hồi đầu quý II-2010 tại một số huyện phía Tây Hà Nội như Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai... Chỉ kéo dài trong khoảng 45-50 ngày song người ta sẽ còn nhớ mãi năm 2010 ở Ba Vì bởi tỷ suất lợi nhuận khủng lên tới 300%. Ngay sau đó, cơn sốt nhanh chóng bị dập tắt khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Kết quả, đất Ba Vì rớt còn nhanh hơn khi trèo lên đỉnh. Chỉ trong vòng 2 tuần, giá đất ở nhiều vị trí giảm tới 200-300% mà không ai mua!

Giải mã cơn sốt điên rồ này, giới chuyên môn khẳng định, toàn bộ do giới đầu cơ thao túng, làm giá. Dựa trên những thông tin chưa rõ ràng từ Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, các “đội” làm giá đã chủ động tung tin về Trục Thăng Long (tuyến đường dự kiến theo quy hoạch nối Tây Hồ Tây với Ba Vì) sẽ đi qua chỗ nọ, chỗ kia, thậm chí “cò” đất còn đóng cả mốc giới giả để lừa các nhà đầu tư. Hệ lụy của cơn sốt Ba Vì không chỉ hại các nhà đầu tư trót ôm đất núi, liền sau đó, thị trường đất nền các quận huyện phía Tây như Hà Đông, Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức... cũng bị lây kích thích từ Ba Vì, tạo nên cơn sốt rộng khắp trong quý II-2010. Khác với Ba Vì, đất ở những vùng “nóng” này chỉ lên chứ không hề giảm.

Cuối tháng 11-2010, Công ty CP Thời đại mới T&T, chủ dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở (tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) đã gây sốc khi đưa ra mức bồi thường thu hồi đất 500 triệu đồng/m2 đất. Đây có thể xem là mức giá bồi thường kỷ lục từng được báo chí ghi nhận. Bởi theo bảng giá đất do Nhà nước quy định, giá bồi thường cao nhất cũng chỉ 81 triệu đồng/m2.

Điều khiến người ta kinh ngạc hơn là mức giá này vẫn bị một số hộ dân tẩy chay. Họ tuyên bố chỉ di dời với mức giá bồi thường 1 tỷ đồng/m2! Chưa hết, vào những ngày cuối cùng của năm 2010, nhà đầu tư này lại một lần nữa xô đổ kỷ lục đã tạo lập khi chấp thuận bồi thường với mức giá 600 triệu đồng/m2 cho hai hộ dân. Chỉ với diện tích đất 32,1m2 (trên có xây nhà cấp 4), chủ đầu tư đã phải chi bồi thường số tiền 19,26 tỷ đồng!

Chính Trung