Chuyên gia tiết lộ 5 lý do khiến kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt

ANTD.VN - Bất chấp các lệnh trừng phạt, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng thay vì suy giảm như dự báo ban đầu, đây là điều khiến phương Tây cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.

Kinh tế Nga sẽ tăng 0,3% trong năm 2023 thay vì mức giảm 2,3% như dự báo trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố thông tin đầy bất ngờ này, gây ngỡ ngàng đối với các chính trị gia phương Tây.

Điều đáng nói là trong năm 2023, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều cho rằng nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,1%, bởi vậy mức tăng GDP 0,3% của Nga trong hoàn cảnh chịu vô số biện pháp cấm vận là cực kỳ ấn tượng.

Đáng chú ý là IMF đưa ra con số nói trên vào thời điểm tập thế phương Tây đang nghiên cứu nhằm siết chặt những biện pháp trừng phạt chống Nga để gây khó khăn nhiều hơn nữa cho nền kinh tế nước này.

Trước diễn biến trên, Phó Giáo sư kinh tế Vladimir Grigoriev trong một cuộc trả lời phỏng vấn ấn phẩm PolitExpert (PE) đã đưa ra một vài nhận xét rất đáng chú ý.

"Thành công của nền kinh tế Nga bất chấp những biện pháp bao vây cấm vận có thể được giải thích bằng sự kết hợp đầy hiệu quả giữa nỗ lực của chính quyền và sự vận động của nền kinh tế toàn cầu".

“Kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi khá cao trước tác động mà những biện pháp trừng phạt gây ra. Và sau bất ngờ hồi tháng 3/2022, hóa ra cú sốc không mạnh như vẫn tưởng,rõ ràng nước Nga đã sẵn sàng đối phó đòn tấn công như vậy”, ông Grigoriev giải thích.

Vị chuyên gia kinh tế nói thêm: "Ngay sau khi đưa ra những lệnh trừng phạt vào tháng 3/2022, truyền thông phương Tây đã liên tiếp dự đoán về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nền kinh tế Nga".

"Phương Tây từng dự đoán GDP Nga sẽ giảm tới 30% - 50%, ngoài ra còn là sự mất giá nghiêm trọng của đồng Ruble. Mặc dù vậy viễn cảnh trên không trở thành hiện thực vì 5 lý do sau đây", ông Grigoriev liệt kê cụ thể:

“Đầu tiên là nền kinh tế Nga có một biên độ an toàn nhất định. Thứ hai, hoàn toàn có thể kiểm soát được. Thứ ba - quan trọng nhất, các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt mong muốn phần còn lại của thế giới sẽ tham gia cùng họ, nhưng điều này không xảy ra".

"Trung Quốc và Ấn Độ đang đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga bất chấp sức ép từ Washington và điều này cũng được ghi nhận tại châu Mỹ Latinh. Rất nhiều nước từ chối tuân theo các biện pháp trừng phạt chống Nga, ngoại trừ thế giới phương Tây".

"Hợp tác trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế giữa chính quyền Moskva và đối tác vẫn tiếp tục. Tất nhiên điều này giúp cho nước Nga 'hấp thụ chấn động' tốt hơn trong trường hợp xấu nhất”.

"Lý do thứ tư chính là nhu cầu không thể thay thế đối với hàng hóa sản xuất tại Nga, khi phần lớn những gì chúng ta sản xuất, bao gồm dầu khí, thực phẩm, phân bón và kim loại... đều cần thiết cho thế giới", ông ông Grigoriev lưu ý thêm.

Cuối cùng, yếu tố thứ năm liên quan đến những biện pháp của chính phủ Nga nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là việc phân phối lại nguồn lực cho các ngành công nghiệp quan trọng như hàng không, xây dựng và công nghệ thông tin, giúp cho nền kinh tế chống chịu khá tốt.

Việc giao lưu kinh tế với hai "người khổng lồ" phương Đông là Trung Quốc và Ấn Độ đang giúp Nga tạm vượt qua khó khăn khi mất thị trường phương Tây, đây là quan hệ hợp tác mang lại lợi ích lớn cho cả đôi bên vào thời điểm này.