Theo chuyên gia quân sự Xavier Moreau, Lực lượng vũ trang Ukraine không có "đạn thông thường" cho pháo tự hành CAESAR do Pháp cung cấp. Ông Moreau đang đề cập đến loại đạn có tầm bắn lớn nhất lên đến 40 km.
Theo ông Moreau, những viên đạn như vậy rất đắt tiền, chúng không được sản xuất tại Pháp và Paris sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho Đức để sản xuất chúng.
Hãng truyền thông Nga RIA Novosti đã công bố đoạn video phỏng vấn nhà phân tích người Pháp. Ông này nói tiếng Nga rất tốt và giải thích các vấn đề đối với pháo tự hành (SPH) CAESAR ở Ukraine.
“CAESAR SPH không phù hợp với cuộc xung đột ở Ukraine… những khẩu pháo tự hành này sẽ nhanh chóng hỏng hóc và không thể sửa chữa được”.
Theo ông Moreau, để sửa chữa một khẩu lựu pháo tự hành tối tân như CAESAR thì nó phải được tháo rời và lắp ráp lại và đây chính là “bí mật của CAESAR”.
Moreau là một nhà hoạt động người Pháp và hiện đang sống tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR). Nhân vật này sở hữu của công ty an ninh Sokol Holding.
Doanh nghiệp trên sử dụng các cựu quân nhân Pháp và Nga từng phục vụ trong đơn vị tinh nhuệ. Trước khi tham gia kinh doanh, ông Moreau là một sĩ quan trong binh chủng nhảy dù của Quân đội Pháp.
Ông là tác giả của hai cuốn sách: “Nước Nga vĩ đại mới: Từ sự tan rã của Liên Xô đến sự trở lại của Vladimir Putin” và “Ukraine - Tại sao nước Pháp đã sai”. Moreau mang hai quốc tịch: Pháp và Nga.
Cần lưu ý rằng kể từ đầu năm, giới truyền thông ngày càng ít nghe và viết về hoạt động của pháo tự hành CAESAR ở Ukraine, điều này cho thấy hai bên đều không tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo lớn. Hiện tại phần lớn pháo mặt đất vẫn ở chế độ "chờ đợi".
Lời nói của ông Moreau có thể là sự thật vì năm ngoái Ukraine đã gặp vấn đề với hiệu suất của pháo tự hành do phương Tây cung cấp, bao gồm cả CAESAR, các quan chức cấp cao của Ukraine một vài lần nói rằng những khẩu pháo của họ đang gặp vấn đề.
Đã có trường hợp binh lính Ukraine sử dụng lựu pháo quá nhiều đến mức nòng của chúng bị nổ. Khi đó, các nhà phân tích nhận xét rằng những khẩu pháo do phương Tây sản xuất không được thiết kế để chịu được cường độ lớn như vậy.
Chúng ta đang nói về hàng trăm quả đạn pháo mỗi ngày mà một khẩu lựu pháo đã bắn ra. Thậm chí cá biệt, có những khẩu phải bắn 1.000 viên đạn mỗi ngày, cường độ không loại pháo nào có thể chịu nổi.
Tuy nhiên CAESAR rõ ràng không gặp vấn đề gì với nòng pháo cũng như cường độ sử dụng. Mặc dù vậy, lựu pháo do Pháp sản xuất lại đang gặp vấn đề liên quan tới đạn dược.
Rất thường xuyên xuất hiện thông tin cho rằng hệ thống điều khiển hỏa lực không thể nhận ra đạn được nạp vào nòng. Tức là phần mềm trong hệ thống điều khiển hỏa lực vừa báo lỗi.
Ông Moreau không cho biết loại đạn nào được cung cấp cho Ukraine để sử dụng trên loại pháo tự hành này. Tuy nhiên nhà phân tích nói rằng chúng không phải sản phẩm có tầm bắn 40 km mà CAESAR thường sử dụng.