Chuyên gia Mỹ nhận xét việc Ukraine 'dọa Nga' bằng 'vũ khí chống tăng bất thường'

ANTD.VN - Vũ khí chống tăng bất thường của Ukraine - khẩu pháo MT-12 Rapira có thể gây ra những thiệt hại nặng nề cho xe tăng Nga trong trường hợp nổ ra xung đột.

Quân đội Ukraine đã cho thấy một trong những phương tiện phòng thủ của mình, đó là vũ khí chống tăng bất thường - khẩu pháo MT-12 Rapira, nhưng vũ khí này có đủ sức khiến Nga cảm thấy lo sợ?

Trong bài phân tích đăng trên trang The Drive, nhà báo Joseph Trevithick đã lưu ý về việc Quân đội Ukraine thời gian gần đây đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chứng tỏ khả năng của các loại vũ khí chống tăng khác nhau mà họ có trong trang bị.

Tác giả của bài báo đăng trên trang The Drive đã nhấn mạnh rằng trong kho vũ khí của Lực lượng vũ trang Ukraine bao gồm cả những khẩu pháo chống tăng nòng trơn cỡ 100 mm MT-12 Rapira có từ thời Chiến tranh Lạnh.

“Loại vũ khí này khác thường ở chỗ nó được trang bị một radar nhỏ để giúp kíp chiến đấu tìm kiếm mục tiêu của họ trên chiến trường rộng lớn, khi đối tượng có thể bị bao phủ bởi những đám mây khói và bụi”, ông Trevithick lưu ý.

Người phụ trách chuyên mục của tờ The Drive còn hướng sự chú ý đến thực tế là các cường quốc quân sự lớn trên thế giới đang từ bỏ pháo chống tăng để chuyển sang sử dụng tên lửa dẫn đường nhỏ gọn và uy lực hơn nhiều.

Tuy nhiên Lực lượng vũ trang Ukraine dường như vẫn hy vọng rằng các khẩu pháo thời Chiến tranh Lạnh của họ vẫn đủ sức chống lại các phương tiện bọc thép của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang giả định giữa hai nước.

Thiết kế của pháo nòng trơn MT-12 Rapira (còn được gọi là Ruta), cũng như các tính năng kỹ chiến thuật của nó cho thấy năng lực chống tăng vào thời điểm hiện tại của Quân đội Ukraine nói chung.

Chuyên gia Trevetik nhớ lại rằng gần đây Kiev đã nhận được một số lượng đáng kể hệ thống tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, Anh gần đây cũng cung cấp cho Ukraine đạn rocket chống tăng thông minh NLAW.

“So với những vũ khí hiện đại và có độ cơ động cao này, khẩu pháo chống tăng MT-12 Rapira cồng kềnh rõ ràng đã tỏ ra quá lỗi thời”, nhà phân tích người Mỹ khẳng định.

Ông Trevetik nói thêm, thiết kế ban đầu - pháo nòng trơn T-12 lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong Quân đội Liên Xô vào năm 1961. Sau đó các bản sửa đổi cải tiến đã được phát triển, bao gồm MT-12 được đưa vào trang bị trong những năm 1980.

Nhưng khẩu pháo chống tăng khác thường này hiện vẫn đang được Quân đội Ukraine sử dụng, có lẽ nhờ vào việc nó được tích hợp một phương pháp dẫn đường không trực quan có giá trị nhờ trang bị radar.

Nhà báo Trevetick cho biết: “Tuy nhiên vẫn chưa rõ tầm xa hiệu quả của loại radar này và cách thức hoạt động chính xác của nó. Tầm bắn tối đa của MT-12 khi bắn đạn xuyên giáp là khoảng 3.000 mét. Nếu so sánh, tên lửa chống tăng Javelin bắn ở cự ly khoảng 4.000 mét”.

Theo tác giả bài báo, hiện vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của đạn xuyên bắn giáp đi từ pháo nòng trơn 100 mm đối với các loại xe tăng thế hệ mới của Nga.

Chuyên gia Trevithik kết luận: “Sự xuất hiện của pháo chống tăng MT-12 Rapira trong những cuộc tập trận gần đây chỉ ra rằng Quân đội Ukraine rõ ràng thiếu Javelin, NLAW cũng như các hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại để cảm thấy đủ tự tin".