- Nguy cơ xảy ra hỏa hoạn tại các nhà cơi nới của khu tập thể cũ
- Dự án xã hội hóa cải tạo khu tập thể cũ tại phường Hàng Bài, Hà Nội vẫn tắc?
- Tiến độ cải tạo các khu tập thể cũ quá chậm
Theo đó, các khu tập thể này sẽ giữ nguyên hình dáng ban đầu và cư dân cũ không bị chuyển đi, cái thay đổi chỉ là việc chồng thêm tầng và sinh lợi từ những công trình cải tạo như thế.
Biến khu tập thể thành… bảo tàng sống
Martin Rama vừa nhận được quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Ông là giám đốc danh dự, không nhận lương, thậm chí còn tự bỏ tiền túi của mình cho dự án. Martin Rama làm điều này vì tình yêu Hà Nội. Ông tâm sự: “Tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống, bạn muốn làm điều gì đó có ý nghĩa. Một khi bạn đã có được những thành công nhất định trong công việc và đời sống cá nhân, bạn muốn ném mình vào cái gì đó cao cả hơn. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu như tôi có thể đóng góp, dù chỉ một chút, để làm cho Hà Nội tỏa sáng như một thành phố tuyệt vời. Bởi vì đó là một thành phố mà cả thế giới yêu thích”.
Với 20 năm làm việc cho Ngân hàng Thế giới tại nhiều quốc gia và 8 năm làm việc tại Hà Nội, Martin Rama có đủ kiến thức và tầm hiểu biết để đưa ra đề xuất cải tạo các khu tập thể cũ của Hà Nội một cách khôn ngoan. Theo đó, Martin sẽ giữ nguyên khu tập thể cũ, tạo những cột trụ vững chắc tại các cầu thang để xây dựng các tầng cao phía trên. Các dân cư gốc sẽ không bị chuyển đi trong quá trình xây dựng. Sau khi tòa nhà hoàn thành, họ sẽ được chuyển tới các tầng cao hơn, tầng phía dưới sẽ trở thành địa điểm kinh doanh, sinh lời.
Khu tập thể sẽ là một bảo tàng sống với những con người cũ và mới đan xen. Trước khi đưa ra đề xuất cải tạo khu tập thể, Martin Rama từng thử nghiệm cải tạo tòa biệt thự cũ của Pháp, nơi ông từng sống ở Hà Nội trong suốt 8 năm. Do vậy, ông đặt nhiều hy vọng về tính khả thi của dự án.
Hà Nội - thành phố lạ lùng
Lý do ông chọn các khu tập thể cũ làm đề tài cho dự án là bởi các công trình này có phong cách riêng của một thời kỳ lịch sử, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội. Những người từng sống tại nơi đây luôn nhớ về nơi mình đã gắn bó bằng nhiều tình cảm và ký ức.
Do vậy, Martin Rama coi những khu tập thể cũ là di sản cần được bảo tồn trong sự phát triển chung của thành phố. Trái với xu hướng đập bỏ xây mới, đường phố mất đi sự đặc sắc, ông đã chọn phương án giữ nguyên trạng nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu nhà ở của các cư dân gốc. Phần nội thất của tòa nhà sẽ được làm mới và Martin Rama có ý tưởng sẽ trồng nhiều hoa ở ban công để biến khu vực này trở thành các vườn hoa. Ông đã nghiên cứu và đề xuất ý tưởng cho thành phố Hà Nội hoàn toàn tự nguyện với mong muốn, đóng góp cho thành phố của một người yêu Hà Nội bằng cả tấm lòng.
Martin Rama cùng gia đình đã sống ở Hà Nội trong thời gian dài. Con ông cũng lớn lên tại Hà Nội. Do vậy, ông luôn mong muốn Thủ đô không mất đi nét rất riêng của thành phố nghìn năm tuổi. Đó là điều ông lo sợ khi đi qua các thành phố Đông Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ không cứu chữa nổi. Ý tưởng của ông có thể được áp dụng hoặc không, nhưng Martin Rama vẫn mạnh dạn đề xuất. Bởi với ông, Hà Nội - một thành phố vô cùng quyến rũ và lạ lùng đã là quá đủ để biện minh cho những nỗ lực không mệt mỏi. Ông ấp ủ dự án nghiên cứu này với mục tiêu tìm ra những phương án tối ưu để điều hòa sự phát triển kinh tế nhanh chóng và việc bảo tồn giá trị kiến trúc đặc trưng Hà Nội.