Chia sẻ của một cựu chỉ huy IS
Phải mất nhiều tháng, Mouhamadou Ibrahim - một cựu chỉ huy của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mới quyết định ra hàng, nộp vũ khí để được ân xá và có cơ hội sống cùng gia đình. Trước khi rời nhóm IS, Ibrahim, 40 tuổi, đã được Chính phủ Niger thông báo rằng vợ con anh sẽ được chăm sóc, anh sẽ được cộng đồng chào đón và sẽ không bị buộc tội, miễn là cung cấp thông tin tình báo về phiến quân và kêu gọi các phần tử thánh chiến khác trở về nhà.
Nhiều chuyên gia lo ngại những phiến quân đã tái hòa nhập cũng như những người có ý định trở về ở Niger có thể tái gia nhập các nhóm thánh chiến |
Ibrahim và 2 người đàn ông khác đã trở về Tillaberi năm ngoái. Ban đầu, Ibrahim gia nhập IS vì nhóm này chiếm làng của anh và giết người. Vì muốn bảo vệ cộng đồng của mình, anh nghĩ rằng chỉ bằng cách tham gia, anh mới cứu được người khác. Dần dần, Ibrahim lên chức chỉ huy, quản lý khoảng 60 người. Anh ta thường kiếm được 830 USD mỗi tuần từ việc bán đồ cướp được. Mặc dù không tán thành hệ tư tưởng thánh chiến, nhưng Ibrahim cảm thấy bất bình vì quân đội không bảo vệ được người dân nông thôn. Nhưng vị chỉ huy IS này cũng chứng kiến các thành viên trong nhóm của mình quay lưng lại với nhau và giết những người được cho là kẻ phản bội. Một người đào tẩu đã thuyết phục anh rằng sẽ tốt hơn nếu rời bỏ IS. Sau khi quay về, Ibrahim đã thuyết phục được hơn 200 phần tử thánh chiến đào ngũ đồng thời hợp tác với quân đội trong nhiệm vụ trinh sát, xác định vị trí và bắt giữ các phần tử khủng bố.
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính ngày 26-7, Ibrahim không liên lạc được với lực lượng an ninh và cũng không ai đến kiểm tra hàng chục cựu phiến quân đang sống ở Niamey. Anh này cũng không biết liệu mình có nhận được khoản trợ cấp khoảng 250 USD hay miễn tiền thuê nhà mỗi tháng hay không. Đối với Ibrahim, cuộc đảo chính đã hủy hoại công sức nhiều tháng cùng mối quan hệ mà anh ta đã xây dựng cùng lực lượng an ninh Niger. Giờ người này tự hỏi liệu mình có nên quay lại chiến đấu cùng những kẻ cực đoan hay không.
Chưa rõ số phận của sáng kiến tái hòa nhập
Kể từ khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị các thành viên đội cận vệ Tổng thống lật đổ vào tháng 7-2023, tương lai của chương trình thu nạp các cựu phần tử thánh chiến ở Niger vẫn chưa rõ ràng. Chế độ quân sự mới chưa đề cập đến chương trình đó khiến hàng trăm người rơi vào cảnh khó khăn khi họ trông cậy vào sự hỗ trợ của chính phủ.
Sáng kiến này được đưa ra vào năm 2016 dưới sự chỉ đạo của ông Bazoum, khi đó là Bộ trưởng Nội vụ, nhằm ngăn chặn bạo lực liên quan đến nhóm khủng bố al-Qaeda và IS vốn hoành hành ở nhiều khu vực Niger và vùng ranh giới của sa mạc Sahara. Theo thống kê, khoảng 1.000 phiến quân đã ra hàng kể từ khi chương trình đi vào hoạt động. Họ nhận được trợ cấp hàng tháng cộng với tiền nhà ở và cơ hội tham gia quân đội; học nghề như mộc, cơ khí, may vá hoặc làm việc trong khu vực công.
Trước một số kết quả khá tích cực, các chuyên gia về xung đột cho rằng, chìa khóa để giúp chương trình thành công là tạo nền tảng niềm tin vững chắc. Tuy nhiên, chương trình tái hòa nhập này vẫn gây tranh cãi vì có người cho rằng, một khi ai đó đã đào thoát, họ sẽ không giữ được sự trung thành. Người khác góp ý, cần tăng cường việc kiểm tra cũng như chăm sóc cho họ tốt hơn để sớm được cộng đồng chấp nhận.
Niger được coi là một trong những đối tác cuối cùng ở Khu vực Sahel, vùng đất khô cằn phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi, mà các nước phương Tây có thể hợp tác để đẩy lùi các nhóm phiến quân và khủng bố. Mỹ, Pháp và các nước châu Âu khác đổ hàng trăm triệu USD để củng cố và huấn luyện cho quân đội nước này. Niger cũng là quốc gia duy nhất nhận thấy sự cải thiện về an ninh so với 2 quốc gia trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì bạo lực khủng bố là Burkina Faso và Mali.
Bà Elizabeth Shackelford, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago, cho biết: “Tổng thống Bazoum hiểu rằng chỉ một mình giải pháp quân sự thì không hiệu quả. Nhưng những người lãnh đạo cuộc đảo chính gọi đó là sự yếu kém và có vẻ họ sẽ quay trở lại cách tiếp cận chỉ dựa vào quân sự, mặc dù điều đó đã thất bại”. Bà Shackelford và các chuyên gia khác lo ngại chính quyền sẽ từ bỏ cuộc đối thoại mà ông Bazoum đã mở ra. Vì lẽ đó, những phiến binh đã tái hòa nhập cũng như những người có ý định trở về có thể tái gia nhập các nhóm thánh chiến.