Chứng minh theo cách của nhà văn

ANTD.VN - Có không ít nhà văn, nhà thơ được bạn đọc, nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi yêu mến, ngưỡng mộ vì có tác phẩm được in vào sách giáo khoa. Nhưng cũng chính vì vậy, không hiếm em nhỏ nằm lòng rằng, tác giả của những bài văn, bài thơ mình thuộc lòng từng câu đã… qua đời. Trước những tình huống dở khóc dở cười, mỗi nhà văn có một cách để chứng minh rằng mình vẫn đang sống vui, sống khỏe.

Chứng minh theo cách của nhà văn ảnh 1Nhiều bạn đọc cho rằng, “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa thì không thể… già

Thần đồng không thể... già

Nhà thơ Trần Đăng Khoa giờ đã bước vào độ tuổi chuẩn bị lên lão, nhưng trong tiềm thức của ít nhất hai thế hệ bạn đọc, ông vẫn là một “thần đồng thơ” nổi tiếng cách đây nửa thế kỉ. Nhiều cô cậu học trò khi ngâm nga những bài thơ “Hạt gạo làng ta”, “Cây dừa”, “Sao không về Vàng ơi”… đã mặc định rằng  “thần đồng” thì không thể già, lại càng không thể sống và làm việc như người bình thường.

Cho nên khi con trai nhà văn Sương Nguyệt Minh khoe với bạn là bố tớ làm việc cùng cơ quan với chú Khoa (hồi đó nhà thơ Trần Đăng Khoa còn công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã bị chế giễu là “thấy người sang bắt quàng làm họ”, rồi mấy cậu bé cãi cọ nhau căng thẳng đến mức suýt nữa lao vào đánh nhau để bảo vệ lí lẽ của mình.

Con trai nhà văn Sương Nguyệt Minh ấm ức về kể lại sự việc với bố và bắt bố phải tìm cách chứng minh nhà thơ “thần đồng” đang làm việc với mình. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đành phải lên cơ quan thuật lại câu chuyện, nhờ Trần Đăng Khoa tìm cách giúp.

Mấy ngày sau, trong tiết văn học tại lớp của mấy cậu học trò kia, nhà thơ Trần Đăng Khoa xuất hiện, ông nói đủ thứ chuyện bằng giọng điệu dí dỏm thường trực. Cuối cùng, nhà thơ không quên nhấn mạnh rằng, mình đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, cùng với nhà văn Sương Nguyệt Minh, bố của một bạn đang ngồi trong lớp học này.

Nhà văn Tạ Duy Anh thì được nhiều học sinh yêu mến khi học truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” in trong sách giáo khoa Văn học lớp 7, và ông cũng đã từng phải “ra tay” cứu một cậu bé hàng xóm khỏi nỗi oan ức. Một buổi chiều, mẹ cậu bé dẫn con trai sang nhà bác Tạ Duy Anh, khẩn khoản nhờ bác nghĩ cách giải oan cho con trai mình. Chuyện là khi học đến truyện ngắn của nhà văn, cậu bé khoe với bạn: “Bác Tạ Duy Anh là hàng xóm nhà tớ”, các bạn cậu không tin, hùa nhau giễu cợt.

Nghe xong, nhà văn lập tức ngồi vào bàn viết một bức thư gửi các bạn học sinh lớp 7..., trong đó có đoạn: “Bác là nhà văn Tạ Duy Anh, hàng xóm của bạn A., nhà bác ở số..., ngõ..., đường Lĩnh Nam. Hôm nào được nghỉ học, mời các cháu đến nhà bác chơi nhé”.

Bên dưới bức thư, nhà văn còn ghi rõ số điện thoại để các độc giả nhỏ tuổi có thể trực tiếp gọi đến trao đổi về tác phẩm hoặc trò chuyện khi nào muốn. Từ hôm đó, cậu hàng xóm của nhà văn được các bạn nể nang và uy tín cũng tăng thêm vài phần, vì ở cạnh người nổi tiếng.

Phải thanh minh mình còn sống

Nhà thơ Đặng Hiển một lần tình cờ đến dự giờ tại một trường tiểu học, đúng hôm đó, lớp mà ông dự giờ dạy học trò bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão” (sách Tiếng Việt lớp 2). Hết giờ, ông đứng lên hỏi các em học sinh có biết tác giả bài thơ là ai không.

Mấy em bé quay sang “hội ý” với nhau và thống nhất: “Tác giả chắc chắn đã chết rồi vì bài thơ này bố mẹ tớ, anh/ chị tớ đều nói đã học từ lớp 2”.

Qua vài giây choáng váng, nhà thơ bình tĩnh kể cho các em nghe về hoàn cảnh ra đời của bài thơ được ông sáng tác đúng dịp vợ ông về quê, trời bỗng dưng nổi cơn mưa bão mấy ngày, ông và hai cô con gái nhỏ đã phải “chống bão” ra sao. Tiếp đó, ông kí tặng mỗi bạn nhỏ một tập thơ thiếu nhi có in cả bài “Mẹ vắng nhà ngày bão” khiến các bạn náo nức suốt cả mấy tuần sau.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng không nằm ngoài sự nhầm tưởng của độc giả. Một buổi chiều ra Hà Nội, nhà văn Trần Quốc Toàn ghé thăm, sau đó rủ mấy người bạn văn chương ra quán bia chỉ cách trụ sở Hội mấy số nhà.

Vừa được nhà thơ Hữu Thỉnh tặng tập thơ mới, nhà văn đất Sài Gòn chưa kịp cất vào ba lô nên đặt tạm lên bàn. Cô bé phục vụ nhìn thấy tên nhà thơ Hữu Thỉnh, mắt sáng lên: “Ôi bác có tập thơ Hữu Thỉnh ạ? Cho cháu mượn đọc một tí được không?”

Cô bé cầm tập sách, lật ra chăm chú đọc, rồi nhớ nhiệm vụ của mình, liền gập sách lại để trả nhà văn. Vô tình nhìn lời đề tặng, chữ kí của nhà thơ và ngày tháng ghi đúng hôm đó, cô bé thốt lên: “Ối! Ông Hữu Thỉnh vẫn còn sống ạ?”

Mấy nhà văn không nén nổi, bật cười trước sự bối rối của cô bé yêu văn chương nhưng lại thiếu cập nhật về các nhà thơ đương thời. Khi được cung cấp thông tin rằng nhà thơ mà cô bé ngưỡng mộ vẫn còn sống, hàng ngày vẫn đến làm việc tại trụ sở cách đây vài chục bước chân thì cô bé liền thể hiện quyết tâm: “Nhất định hôm nào cháu phải xin vào gặp để được bác ấy kí tặng sách. Bọn bạn cháu sẽ phải lác mắt cho mà xem”.