Chứng khoán Trung Quốc sụp đổ và bài học với Việt Nam

ANTĐ - Trong vòng 3 tuần qua, các nhà đầu tư phải chứng kiến giá cổ phiếu ở Trung Quốc lao dốc mạnh, giảm hơn 20%. 

Báo chí chính thống Trung Quốc đưa tin, khoảng 3.200 tỉ USD vốn hóa đã bị “bốc hơi”, trong vòng 3 tuần. Con số này gấp 6 lần nợ nước ngoài của Hy Lạp, tương đương sản lượng kinh tế của nước châu Âu này trong vòng 11 năm. Hãng Bloomberg so sánh, cứ mỗi phút lại có 1 triệu USD biến mất trên sàn giao dịch.

Chốt phiên giao dịch ngày 8-7, chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn Thượng Hải đã giảm tới 32% từ mức đỉnh điểm trong tháng trước. Đến phiên mở cửa ngày 9-7, chỉ số này tiếp tục giảm 2,13% ở mức 3.432,45 điểm. TTCK Trung Quốc có thể sẽ tạo ra 3 đợt sóng liên tiếp. Đầu tiên là các khoản lỗ đối với nhà đầu tư, thứ hai là tăng trưởng kinh tế chậm lại và cuối cùng sẽ là phản ứng dữ dội về chính trị đối với đội ngũ lãnh đạo. 

Nguyên nhân của cơn bão mạnh đánh vào nền kinh tế Trung Quốc đơn giản là vì nó tăng trưởng rất dài trong suốt thời gian qua, và đẩy giá đến mức “bong bóng”. Chỉ trong vòng 12 tháng, các chỉ số chứng khoán, vốn hóa thị trường tăng tới 150%. Không giống như những người tiền nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp nắm quyền kiểm soát việc hoạch định chính sách kinh tế. The New York Times nhận định, hào quang mà Chủ tịch Tập Cận Bình tạo ra đã bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra trên TTCK. Vào mùa xuân năm nay, ít nhất 20 triệu tài khoản mới đã được mở tại mỗi sàn chứng khoán. Ngày càng có nhiều người đổ xô vào chứng khoán như một cơn sốt có quy mô quốc gia.

Cho đến giờ, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thất vọng trước những giải pháp cấp bách mà Chính phủ tiến hành để “cứu thị trường”. Đó là việc cắt giảm lãi suất, dọa sẽ trừng phạt những kẻ phao tin đồn, cho phép các quỹ lương hưu quốc gia mua cổ phiếu và thậm chí Chính phủ còn lên kế hoạch điều tra những người mua bán khống... Cuối phiên giao dịch tuần trước nữa, Chính phủ đã tung ra thêm các sáng kiến để đón đầu tuần giao dịch mới. 21 công ty môi giới đã đồng ý thiết lập quỹ trị giá 19,4 tỉ USD để mua cổ phiếu blue-chip.

Cả 2 sàn giao dịch chứng khoán của nước này đều thông báo ngừng việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Cấm các chủ doanh nghiệp và liên quan nắm giữ từ 5% cổ phiếu giao dịch trong 6 tháng… Sau những nỗ lực trên, TTCK Thượng Hải đã tăng 7,8% vào những phút đầu tiên sau khi mở cửa đầu tuần trước. Nhưng chỉ được 10 phút, làn sóng bán tháo đã khiến chỉ số Thượng Hải mất hơn một nửa những gì vừa đạt được và thị trường tiếp tục suy sụp. Dự báo, TTCK Trung Quốc sẽ sụt giảm thêm khoảng 30% nữa trước khi dừng lại. 

Điều khá nguy hiểm là, hiệu ứng trên TTCK đang được cảm nhận ở từng hộ gia đình trên khắp Trung Quốc. Các nhà đầu tư cá nhân sở hữu tới 4/5 số cổ phiếu trên thị trường ở Trung Quốc, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với các thị trường phương Tây, nơi các nhà đầu tư tổ chức chiếm ưu thế. Nhà đầu tư cá nhân có 112 triệu tài khoản trên TTCK Thượng Hải và 142 triệu tài khoản trên TTCK Thâm Quyến.

Dĩ nhiên, kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng cơn bão chứng khoán này có thể khẳng định không ảnh hưởng lớn đến thị trường vốn vì chủ yếu nó diễn ra trên thị trường thứ cấp, thị trường đầu cơ. Tuy nhiên nó sẽ là bài học với TTCK Việt Nam. Đó là việc cho áp dụng rộng rãi công cụ bán khống và đòn bẩy tài chính. Chính từ đó, những người có ít tiền, thậm chí không có tiền vẫn có thể đầu tư.

Dễ dàng đầu tư như vậy nên giá cổ phiếu bị đẩy lên cao và tạo ra bong bóng. TTCK Việt Nam vẫn chưa ổn định. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có những động thái trấn an giới đầu tư.  Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải có những thông tin chính xác nhất, minh bạch nhất về thị trường. Ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra chặt chẽ các ngân hàng về việc tuân thủ quy định liên quan đến TTCK trong Thông tư 36.