Chậm công bố thông tin bất lợi: Nhà đầu tư chứng khoán ôm "giấy lộn"

ANTĐ - Trong lịch sử, Công ty CP Khoáng sản Na Rì (Hamico), mã cổ phiếu KSS chưa bao giờ công bố thua lỗ. Vào giữa tháng 6, đột ngột, một số lượng lớn, nhiều triệu cổ phiếu KSS được tung ra bán trên TTCK. Không có bất kỳ thông tin nào về KSS được công bố đến thời điểm ngày 9-6, nhưng ngày hôm sau, tin lãnh đạo KSS đã bị bắt được tung ra, đồng thời giá cổ phiếu KSS lao xuống 2000đ/cổ phiếu vào ngày 19-6. 
Chậm công bố thông tin bất lợi: Nhà đầu tư chứng khoán ôm "giấy lộn" ảnh 1

Hàng trăm nhà đầu tư mắc hợm, ôm hàng triệu miếng giấy lộn mang tên: Cổ phiếu KSS, bán rẻ cũng không ai mua. Đau hơn, ngay trước thời điểm bị bắt, ông Nguyễn Văn Dĩnh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KSS đã kịp bán chui hết toàn bộ gần 1,94 triệu cổ phiếu của cá nhân, thu về khoảng trên 6 tỷ đồng. Nhưng đó không phải là câu chuyện hiếm.

 Các nhà đầu tư biến thành con thịt

 Ngay từ khoảng 10-6, những tin đồn không chính thống và có tính chất tiêu cực lan truyền trên thị trường chứng khoán đã khiến cổ phiếu CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC) giảm sàn liên tục 3 phiên với khối lượng dư bán lên đến hàng chục triệu đơn vị. Vào phiên cuối tuần 12-6 khi cổ phiếu vẫn đang trong tình trạng lao dốc và không có động thái công bố thông tin chính thức nào từ Ban lãnh đạo của công ty, JVC đã đóng cửa tại mức giá sàn với dư mua bằng 0 và dư bán gần 23 triệu cổ phiếu - hơn 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Đến ngày cuối tuần 13-6, bằng văn bản trên website của công ty, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật đã chính thức cho biết: “Công ty vẫn đang hoạt động bình thường. Trong dự án đầu tư mua sắm thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, JVC là đơn vị cung cấp dịch vụ sau bán hàng, hiện đang trong giai đoạn chấm thầu, chưa có kết quả và hiện nay, JVC không nhận được bất kỳ khiếu nại nào về dự án này”.

Văn bản được công bố có đóng dấu công ty và chữ ký của Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng. Công bố này đủ để nhà đầu tư đặt lại niềm tin vào JVC thêm một lần nữa và phiên giao dịch ngay sau thông tin này, cổ phiếu JVC ngừng “lau sàn” với mức giảm nhẹ 200 đồng. Đặc biệt hơn, gần 12,5 triệu cổ phiếu tương đương trị giá hơn 200 tỷ đồng đã kịp thoát hàng sau một văn bản này! Nhưng chỉ được một phiên 15-6, ngay sau đó, cổ phiếu JVC lao dốc tiếp. 6 phiên giảm sàn liên tục từ 16-6 đến 23-6 khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng.

Điểm qua giá cổ phiếu JVC từ 10-6 đến ngày 25-6 có thể thấy, cổ phiếu này đã 9 phiên giảm sàn và 3 phiên giảm. Từ mức giá 21.200 đồng trước tin đồn, cổ phiếu JVC chỉ còn 10.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngàỳ 25-6. Điều này đồng nghĩa với việc, cổ đông nào không kịp “thoát hàng” cổ phiếu JVC từ sau biến cố đã mất hơn nửa giá trị khoản đầu tư. Hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa JVC đã không cánh mà bay. Con số nghìn tỷ không phải con số nhỏ để bất kỳ ai liên quan đến câu chuyện công bố thông tin của JVC có thể ngoài cuộc.

Mãi đến cuối ngày 23-6, JVC công bố thông tin, cũng trên website của JVC, là vị nguyên chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân. Văn bản này cũng không nói rõ ông Hướng bị bắt tạm giam từ thời điểm nào và câu chuyện liệu văn bản công bố ngày 15-6-2015 với chữ ký đề tên ông Hướng vẫn đang là dấu hỏi lớn. Ông Hướng đã ký công văn này ngay trước khi bị bắt tạm giam hay là công văn giả mạo? Tuy nhiên, mọi câu hỏi trở thành vô nghĩa khi thông tin mới được tiết lộ. Vào ngày 15-6-2015, bà Nguyễn Thị Hạnh - vợ ông Lê Văn Hướng đã bán thành công 1,8 triệu cổ phiếu, qua đó giảm số cổ phần JVC nắm giữ xuống còn 89.657 cổ phiếu, nghĩa là gần như bán sạch cổ phiếu sau văn bản ngày 13-6 (?)

Trước đó, không ít NĐT cũng đã hoa mắt với rất nhiều cổ phiếu giảm giá bất thường. Cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương đã giảm một mạch từ 14.000 đồng xuống còn khoảng 6.500 đồng/cp trước khi ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT tập đoàn này bị bắt và sau khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu OGC chỉ còn 2.500đ/cp. Lãnh đạo OGC cũng kiếm lợi trong vụ này.

Cụ thể, ngày 16-12-2014, bà Nguyễn Thị Dung, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Ocean Group bán 120.000 cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương. Đến ngày 20-1-2015, Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của bà Nguyễn Thị Dung. Với giá cổ phiếu OGC ngày 16-12-2014 là 7.900 đồng, ước tính bà Dung đã thu về 948 triệu đồng từ việc bán cổ phiếu này. Đến ngày 20-1-2015, giá cổ phiếu OGC giảm còn 6.200 đồng, tính ra bà Dung đã “kiếm lời” hơn 200 triệu đồng khi nhanh tay bán trước đó… Sau khi bán 120.000 cổ phiếu, bà Dung không còn nắm giữ cổ phiếu OGC. Cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội từ đầu tháng 5 tới nay cũng gây bất ngờ sau khi tăng một mạch từ dưới 5.000 đồng/cp lên trên 22.000 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này là sao khắc tinh với không ít NĐT, giảm một mạch từ 40.000 đồng/cp hồi cuối 2010 về dưới 1.000 đồng/cp trong năm 2012 và 2013.

 Trước đó, giới đầu tư cũng thể quên bài học PVA. Trong khoảng thời gian một năm, từ quý III/2009 tới quý II/2010, cổ phiếu này đã tăng giá 20 lần. Cổ phiếu tăng cũng là lúc các thành viên HĐQT bán ra, cổ đông lớn cũng ồ ạt bán cổ phiếu. Các kế hoạch tăng vốn, những dự án hoành tráng và các roadshow và báo cáo đẹp như mơ của các CTCK đã khiến rất nhiều các NĐT nhỏ lẻ dính bẫy.

Tại sao những thông tin bất lợi của các doanh nghiệp niêm yết chậm được thông báo để lãnh đạo các doanh nhiệp này bán tháo cổ phiếu?  Các chế tài hiện nay tại sao không đủ sức ngăn cản hành vi, có thể nói đúng chữ là gian lận trên TTCK này?

chưa đủ sức ngăn chặn gian lận 

Cho đến nay, tất cả các vụ việc vi phạm quy định pháp luật về thông tin trong giao dịch chứng khoán đều chỉ có mức phạt tiền theo quy định phạt vi phạm hành chính. Những trường hợp “bán chạy” cổ phiếu của mình không thông báo cũng bị phạt nhưng chỉ phạt hời hời, vài chục triệu đồng. Sau bài học phạt nhẹ, lợi lớn, lần này trước khi bị bắt, ông Dĩnh đã bán chui tiếp, thu về 6 tỷ đồng. Còn nhiều trường hợp nữa, nhưng động cơ chưa rõ, nên rất khó nói. 

Theo Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán về việc công bố thông tin trên TTCK ban hành ngày 5-4-2012 và Quy chế Công bố thông tin tại SGDCK Hà Nội ban hành ngày 6-6-2013 tất cả những trường hợp chậm công bố thông tin về giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, cổ đông nội bộ đều là vi phạm quy định pháp luật.

Cũng theo Luật chứng khoán: Công bố thông tin trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi bị tổn thất tài sản có giá trị từ 10% vốn chủ sở hữu trở lên (điều 103.a), các trường hợp chậm thông tin liên quan đến những bất lợi, thiệt hại đến tài sản doanh nghiệp đều vi phạm quy định pháp luật. Đáng tiếc, mặc dù có các quy định định khung vi phạm nhưng các chế tài lại rất yếu và thiếu vì vậy, nhiều lãnh đạo vẫn biến  các nhà đầu tư cổ phiếu thành con “gà thịt”.  

Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ nhiệm CLB các Doanh nghiệp niêm yết, cho rằng có hai khả năng các cá nhân, DN không công bố thông tin xảy ra trên thị trường. Một là họ không biết hoặc quên việc công bố thông tin; hai là rất nhiều trường hợp biết nhưng cố tình không công bố, chấp nhận chịu phạt vì thấy rằng bán “chui” lợi hơn mức chịu phạt. Mặc dù Nghị định 108 của Chính phủ đã tăng mức phạt nhưng vẫn chưa đủ “đô” đối với các DN cố tính ém thông tin. Chính vì vậy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần mạnh tay hơn để nhà đầu tư yên tâm.

Điều 126 a. Luật Chứng khoán đã quy định: Người biết rõ thông tin nội bộ hoặc người có thông tin nội bộ nếu mua, bán chứng khoán, tiết lộ thông tin này hoặc đề nghị người khác mua, bán chứng khoán thì bị phạt tiền, tịch thu các khoản thu trái pháp luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.