Chuẩn hóa bữa ăn bán trú tiểu học

ANTD.VN - Nhờ ngân hàng gồm 120 thực đơn với trên 360 món ăn không lặp lại được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, học sinh tiểu học toàn quốc sẽ được cải thiện sức khoẻ lâu dài thông qua bữa ăn bán trú đạt chuẩn.

Việc chuẩn hóa thực đơn các bữa ăn bán trú bậc tiểu học đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và quyết định triển khai trong cả nước

“Thực đơn chuẩn cho học sinh tiểu học bán trú vừa đảm bảo chất lượng bữa ăn, đồng thời góp phần giáo dục học sinh thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện đối với học sinh tiểu học” - PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đánh giá.

Thực đơn trên 360 món

Theo cảnh báo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng: tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em nông thôn và tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng với trẻ em thành phố. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Tuy vậy, các trường tiểu học bán trú còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức bữa ăn do còn hạn chế về kiến thức dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn sao cho vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa phù hợp chi phí thu hàng tháng.

Nắm bắt được những thực trạng của xã hội và tình hình khó khăn hiện nay của các trường, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã nghiên cứu và khởi xướng Dự án Bữa ăn học đường vào năm 2012. Theo đó, Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc Dự án Bữa ăn học đường đã được được phát triển kéo dài hơn 1 năm, trải qua quá trình khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ càng, sau đó thông qua bởi Hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế và Hội đồng đánh giá của Bộ GD-ĐT.

Phần mềm này cung cấp cho nhà trường một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng; được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, Trung và Nam.

Phần mềm còn có thể giúp các trường tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn hoặc bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với từng địa phương; kiểm tra mức độ dinh dưỡng của các thực đơn nhà trường hiện đang sử dụng, giúp nhà trường tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, dự án có sự phối hợp, tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT và hiện nay đã được triển khai rộng khắp tại các thành phố lớn cũng như tại vùng sâu vùng xa với mục tiêu mang lại hiệu quả tích cực cho sức khỏe các công dân tương lai.

Hơn 400 trường áp dụng thực đơn chuẩn

Hà Nội hiện có hơn 650.000 học sinh tiểu học, trong đó có hơn 50% ăn bán trú ở trường, do vậy, việc quan tâm tới bữa ăn bán trú là tất yếu. “Ở bậc mầm non, chăm sóc trẻ là nhiệm vụ chính nên các trường rất quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, có tiêu chí cụ thể đối với bữa ăn bán trú. Còn với bậc tiểu học, việc tổ chức bán trú chủ yếu đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn gửi con cả ngày. Do đây không phải nhiệm vụ chuyên ngành nên các trường gặp khó khăn trong việc tổ chức bữa ăn bán trú, đặc biệt là xây dựng thực đơn bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với tâm lý lứa tuổi” - ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhận định.

Bà Đinh Thùy Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Trung cho biết, trường đã thí điểm chương trình Bữa ăn học đường cân bằng dinh dưỡng 2 năm qua. “Phần mềm này rất thuận tiện trong sử dụng, đảm bảo uy tín với phụ huynh trong việc xây dựng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng. Các món ăn rất bắt mắt, ngon miệng, học sinh rất thích. Thông qua bữa ăn, học sinh được ăn đa dạng nhiều thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ. Nhiều học sinh trước đây chỉ biết ăn trứng, thịt, không biết ăn rau, cá... thì nay đã thay đổi thói quen không tốt này”, bà Dung thông tin. 

Trong thời gian tới, hơn 400 trường tiểu học toàn thành phố sẽ đồng loạt triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Với việc triển khai phần mềm này, Hà Nội đã thẩm định được 40 thực đơn trong trường học, không trùng lặp, giúp cho các trường có công cụ để xây dựng bữa ăn của học sinh với đầy đủ dưỡng chất với mức phí phù hợp với từng cơ sở, góp phần quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn, thực phẩm dinh dưỡng cho học sinh ăn bán trú.

Hy vọng bằng việc áp dụng phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng này, bữa ăn học sinh tiểu học các trường của Hà Nội sẽ được cải thiện tích cực, học sinh ăn ngon miệng, đảm bảo phát triển toàn diện về sức khỏe thể chất.