Chưa vội “nới lỏng”

(ANTĐ) - Theo dõi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nếu từ tháng 1 đến tháng 4 có xu hướng cao lên, thì tháng 5 đã tăng chậm lại còn 2,21%, đến tháng 6 giảm tốc độ chậm hơn chỉ còn 1,09%. Chiều hướng này chắc chắn sẽ tiếp diễn trong những tháng tới.
Như vậy, sau 4 tháng lạm phát liên tục leo cao, giờ đã “hạ nhiệt” trông thấy. Đây là khái quát tình hình kinh thế 6 tháng đầu năm nay của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, làm cơ sở để báo cáo thẩm tra trình kỳ họp Quốc hội mới vào tháng 7 tới.

Cộng hưởng với kinh tế, thị trường vàng và USD khá ổn định. Giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng trên thế giới, góp phần giảm tình trạng “vàng hóa”, đồng thời tạo điều kiện khai thác “mỏ vàng” nằm trong dân, góp sức kiềm chế nhập siêu. Tỷ giá VND/USD ổn định cũng góp phần để Ngân hàng Nhà nước mua một lượng ngoại tệ lớn để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. “Bức tranh” kinh tế tuy có hơi hửng sáng, nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư tỏ ra thận trọng nhận định về những nguy cơ rất có khả năng tạo nên một mặt bằng giá mới khiến cho việc kiềm chế lạm phát chưa thể xem nhẹ.

Trước những dấu hiệu đầu tiên lạm phát giảm tốc, không ít ý kiến cho rằng cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Nếu cứ tiếp tục thắt chặt mãi sẽ làm cho lãi suất tăng cao, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh. Đơn cử trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Tình trạng lãi suất cao và tín dụng bị thắt chặt của ngành bất động sản có thể gây ra tình trạng phá sản hàng loạt doanh nghiệp trong ngành này và sẽ ảnh hưởng xấu trực tiếp đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Hiện tại, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng là 222.000 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cuối năm 2010. Trong khi đó, việc tăng giá dây chuyền và tăng giá “tâm lý” sau khi điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu trong nước, tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào sản xuất và tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng. Những yếu tố này có thể thiết lập một mặt bằng giá mới cao hơn trước, gây thêm khó khăn cho các chính sách ngăn chặn lạm phát và bình ổn giá cả thị trường. Dường như sức ép phải nới lỏng chính sách tiền tệ đang ngày một dồn nén như chiếc lò xo. Một số cụm từ như “chặt chẽ”, “thắt chặt”, “linh hoạt” và “nới lỏng” đã được nhắc tới trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã nói trước các nhà tài trợ quốc tế, sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng điều hành một cách linh hoạt và thận trọng. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước đây đã từng thực hiện các cam kết thiếu triệt để, khi kinh tế vĩ mô bắt đầu chuyển biến tích cực và áp lực nới lỏng chính sách từ các nhóm lợi ích tăng lên.

Vì thế, theo ông này, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin của thị trường vào những giải pháp điều hành đúng đắn của Chính phủ, nhất là Nghị quyết 11 phải được tiếp tục thực hiện trên tinh thần nhất quán và kiên trì. Không nên quên rằng, sau 1 năm, chỉ số CPI của tháng 6-2011 đă tăng vượt quá mốc 20%, một tốc độ tăng hiếm thấy trong nhiều năm nay. Đáng lưu ý, đây chưa phải là “đỉnh” cao nhất, mà có thể sẽ rơi vào tháng 8, vì tốc độ tăng CPI của tháng 7 và tháng 8 năm nay, gần như chắc chắn sẽ cao hơn các tháng cùng kỳ năm 2010.

Các chuyên gia dự báo, kinh tế trong vài tháng tới vẫn còn khá khó khăn, GDP may ra chỉ tăng trưởng 5,3 - 5,5%, một bộ phận doanh nghiệp có thể bị đình đốn và phá sản. Tuy vậy, không vì thế mà sớm nới lỏng chính sách. Điều chỉnh theo hướng nới lỏng chỉ nên được xem xét khi kinh tế vĩ mô ổn định trở lại chắc chắn. Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế cũng nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô cần một số thời gian dài, chứ không phải là một “bài toán” có thể giải xong một cách chóng vánh, vội vàng.