Chưa thể lơ là!

ANTĐ - Lạm phát năm 2013 thấp nhất trong 10 năm qua và đạt được mục tiêu tổng quát do Quốc hội đề ra là thấp hơn 10 năm trước. Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp lạm phát tăng thấp và không lặp lại chu kỳ “2 năm cao, 4 năm thấp” như 9 năm trước đó. Nhận diện lạm phát năm 2013 ở góc độ tổng quát và chủ yếu thì việc kiềm chế lạm phát đã thành công xét trên nhiều điểm. Song, điều tích cực nhất ở thời điểm kết thúc năm 2013 là Chính phủ đã thấy rõ và hiểu sâu hơn những khiếm khuyết của nền kinh tế, nhận thức chính xác hơn về mô hình tăng trưởng cũng như sức khỏe của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2013 chỉ rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên trì, linh hoạt trong điều hành để đảm bảo sự hài hòa, tính tổng thể các mục tiêu cả trước mắt và lâu dài. Đó là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo tăng trưởng hợp lý.

Trong cuộc họp tổng kết thường niên của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ý kiến cần tập trung vào kiểm điểm tình hình, nhất là kiểm điểm về điều hành của Chính phủ để có các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 thật sát với tình hình. Làm sao đánh giá những mặt hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và đưa ra được nghị quyết bám sát thực tiễn. Thẳng thắn góp ý về công tác điều hành, lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM cho rằng, trong điều hành, các chủ trương chính sách được ban hành kịp thời, đúng hướng nhưng việc cụ thể hóa còn chậm trễ hoặc khi đưa ra chính sách không đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Đặc biệt, phân cấp trách nhiệm hiện nay chưa rõ ràng, Trung ương chịu một phần, các địa phương chịu một phần, dẫn đến tình trạng có những việc ai cũng muốn né tránh, có những việc muốn ôm đồm, khi có thành tích thì kết quả chung, khi có yếu kém thì không ai chịu. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, áp lực lạm phát tăng cao trở lại luôn tiềm ẩn, mỗi quyết định điều chỉnh chính sách nếu không hợp lý về thời điểm và liều lượng sẽ gây những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội. Nếu lại để xảy ra lạm phát tăng cao, đời sống người lao động chịu thiệt thòi đầu tiên và nặng nề hơn cả. Khi buộc phải lựa chọn giữa kiềm chế lạm phát hay tăng trưởng kinh tế, thì đa phần công nhân, nông dân, viên chức sống bằng lương chắc chắn sẽ quan tâm nhiều hơn đến kiềm chế lạm phát. Nếu kiềm chế được lạm phát tức là Chính phủ đã giúp cho đời sống của đại đa số người lao động dễ thở hơn, giá cả hàng hóa bình ổn hơn.

Khẳng định lạm phát năm 2013 đã được kiềm chế, nhưng giới chuyên gia lưu ý, chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát cao trở lại vào năm tới, nhất là tháng 1-2014 rơi vào Tết Âm lịch. Việc thực hiện lộ trình cơ chế thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, trong khi việc sản xuất kinh doanh các loại hàng hóa này chưa có cơ sở cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm minh bạch, công khai.