Chưa qua cơn bĩ cực

ANTĐ - Kết quả thăm dò mới nhất do hãng tin Reuters (Anh) công bố ngày 21-6 cho thấy viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng u ám hơn. 

Kinh tế khó khăn, các cửa hàng ở Anh vắng khách

Các con số thống kê cho thấy tháng Sáu vừa qua là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động kinh tế nói chung của khu vực đồng euro (Eurozone) bị sụt giảm, tác động mạnh tới hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp. Chỉ số sản xuất và dịch vụ của Eurozone trong suốt 9 tháng qua đều dưới mức 50%, trong đó tháng Năm và tháng Sáu là 46,0% và 45,5%. Thực trạng này đang gây áp lực nặng nề hơn thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải có thêm các động thái để hỗ trợ kinh tế khu vực phát triển. 

Với cường quốc kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc, hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân bị sụt giảm liên tiếp trong 6 tháng liền do đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II năm 2012 của Trung Quốc dự báo sẽ là quý thứ 6 liên tiếp bị giảm, có thể chỉ đạt mức tăng 7%. Còn theo dự báo của Ngân hàng đầu tư PMorgan Chase, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III năm 2012 chỉ còn 2%, thay vì 3% như dự báo trước đây và tốc độ tăng GDP cả năm 2012 có thể chỉ đạt 2,1% so với dự báo 2,3% trước đây.

Thực tế này không phải là điều bất ngờ vì theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2012 tiếp tục là năm khó khăn đối với kinh tế thế giới. Nguyên nhân là do các giải pháp được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu vẫn chưa đủ, tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển đứng ở mức cao, trong khi các nước đang phát triển và nhiều nước khác vẫn “đau đầu” với bài toán lạm phát. Nhìn tổng thể, kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với 5 rủi ro lớn. Cụ thể như sau:

Một là rủi ro tụt dốc của kinh tế thế giới tiếp tục tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu là chu kỳ kinh tế và chu kỳ chính trị của nhiều nước chồng lên nhau, thiếu kỹ thuật và ngành nghề dẫn đường, tăng trưởng kinh tế phổ biến suy giảm tốc độ, dẫn tới tăng trưởng mậu dịch quốc tế mất lực. Hai là nhiều nước đối mặt áp lực lạm phát. Ba là xu thế tăng trưởng kinh tế nhanh của các nước mới nổi khó có thể tiếp tục. Bốn là quản trị toàn cầu khó hợp lực. Năm là kinh tế ít carbon đã nâng cao “ngưỡng cửa” phát triển của các nước đang phát triển, làm gia tăng độ khó với các nước này trong thực thi chiến lược phát triển, nâng cao giá thành điều chỉnh kết cấu kinh tế của các nước đi sau, trói buộc không gian của mậu dịch đối ngoại.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã bước sang năm thứ tư, song kinh tế toàn cầu vẫn chưa vượt qua cơn bĩ cực. Để thoát khỏi tình trạng trì trệ và nhanh chóng phục hồi sau “bão” tài chính, giới doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế toàn cầu cần khoảng 70.000 tỷ USD trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2016, thế giới cần 40% khoản tài chính trên và 3.000 tỷ USD cho đầu tư vào hạ tầng cơ sở.