Chưa là “tấm lá chắn”

ANTĐ - Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được mang ra thảo luận mà vẫn chưa thể thông qua. Đến kỳ họp thứ 3 này, dự thảo lại tiếp tục được thảo luận. Cho dù nhiều đại biểu tán thành nội dung cơ bản của dự thảo nhưng vẫn còn một số đại biểu chưa nhất trí.

Có hai vấn đề được tranh luận, phân tích nhiều nhất là giảm giờ làm thêm, tăng thời gian nghỉ thai sản. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng là hợp lý. Quỹ Bảo hiểm xã hội đã xác định nguồn của quỹ có thể cân đối được khi tăng thời gian nghỉ thai sản. Quy định về giờ làm thêm của người lao động chính là “điểm nóng” nhất.

Dự thảo đưa ra hai phương án, một là giữ nguyên quy định thời gian làm thêm tối đa từ 300 đến 360 giờ mỗi năm; hai là rút ngắn xuống còn 200 giờ. Quy định như vậy, theo một số đại biểu là không thực tế. Hiện nay người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang phải làm thêm 400 đến 700 giờ/năm và chỉ có người sử dụng lao động hưởng lợi. Làm thêm giờ là yêu cầu của doanh nghiệp, song nếu quy định như hiện nay thì mỗi năm người lao động chỉ được nghỉ 7 ngày. Xây dựng Luật Lao động theo hướng giảm giờ làm để người lao động có thời gian tái tạo sức lao động. Nếu quy định thời gian làm thêm dài thì người sử dụng lao động sẽ “lách” quy định để tránh nộp bảo hiểm xã hội.

Một đại biểu nói thẳng rằng, không ai muốn làm thêm giờ nhưng vì mức lương tối thiểu không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu nên bắt buộc người lao động phải “cày” thêm. Cũng liên quan sát sườn tới đời sống và quyền lợi của người lao động cả nước, các đại biểu Quốc hội còn “xoáy sâu” vào việc thu phí công đoàn và mức phí phải nộp hiện chưa tìm được tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Việc trích nộp phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn, nhất là trong tình cảnh suy giảm kinh tế hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng phí công đoàn hiện nay không hợp pháp, hợp lý và không công bằng. Khoản thu 2% tổng quỹ lương từ doanh nghiệp của công đoàn hiện không còn nằm trong tầm kiểm soát của ngân sách Nhà nước. Điều bất hợp lý là, công đoàn sinh ra để bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng lại “sống” bằng kinh phí của người sử dụng lao động. Với cách làm này, công đoàn đang đi “ngược chiều” mục tiêu bảo vệ người lao động. Lẽ thường “ăn cây nào rào cây nấy”, nhưng công đoàn lại lấy kinh phí hoạt động từ túi tiền của giới chủ để đi bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì thật là... trái khoáy.

Về bản chất, công đoàn phải là tổ chức độc lập đối với chủ lao động, dĩ nhiên tài chính càng phải độc lập với doanh nghiệp. Nếu để doanh nghiệp tự “đẻ” ra công đoàn, rồi lại “nuôi” công đoàn, rút cuộc công đoàn đâu phải để bảo vệ người lao động mà là công cụ để bảo vệ lợi ích của chủ doanh nghiệp. Rõ ràng, công đoàn phải trở thành “tấm lá chắn” bảo vệ người lao động.