- Xếp hạng thêm 6 di tích quốc gia đặc biệt
- Xây dựng hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ 550 tuổi
- Di tích lịch sử các địa điểm khởi nghĩa Trương Định được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/01/2025 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích.
Đó là Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội); Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Xám (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); Di tích lịch sử Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng); Di tích lịch sử Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (quận Hải An, thành phố Hải Phòng); Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Pô Nagar (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
|
Chùa Bối Khê (tên chữ: Đại Bi tự) là ngôi chùa cổ tại xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Ngôi chùa nổi tiếng là một trong số ít các chùa còn lưu lại những dấu vết kiến trúc gỗ nguyên bản thời Trần, đồng thời mang nhiều giá trị nổi bật cho quá trình phát triển của Phật giáo ở đồng bằng Bắc Bộ trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến.
Chùa cũng là một trong số ít công trình kiến trúc cổ Việt Nam còn lưu lại hình thức đấu củng với tư cách là một thành phần kết cấu chịu lực. Việc nghiên cứu về chùa Bối Khê đã được các học giả Pháp bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ 20 và sau đó là các nhà nghiên cứu Việt Nam thúc đẩy liên tục từ những năm 1960 đến nay. Chùa đã được Bộ trưởng Bộ văn hóa và thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1979.
Chùa Bối Khê là một ngôi chùa đặc trưng cho dạng thức "tiền Phật, hậu Thánh". Chùa thờ Phật ở phía trước, thờ Đức Thánh Bối ở phía sau, là một ví dụ điển hình cho sự hòa quyện giữa Phật giáo và Đạo giáo.
Đức Thánh Bối là một nhân vật lịch sử đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt giữa chùa Bối Khê và chùa Trăm Gian đồng thời là sự liên kết giữa hai làng, hai vùng đất (Bối Khê - Tiên Lữ/Tứ Bích) trên phương diện tôn giáo.Hai ngôi chùa đều thờ chung Thánh Nguyễn Bình An. Cũng do thờ chung Thánh nên từ xưa, hai làng đã có tục "kết chạ" (tức là kết nghĩa anh em) duy trì cho tới ngày nay.