- Hà Nội: Đổi mới, sáng tạo với tâm thế phục vụ hiệu quả nhân dân và doanh nghiệp
- [ẢNH] Công chúa kế vị Thụy Điển rạng ngời thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Matxcơva sẽ chia sẻ mô hình giao thông thông minh với Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển...
Cốt lõi là đô thị thông minh
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vinh dự được chọn là 1 trong 3 đô thị của Việt Nam tham gia mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN, Hà Nội xác định đề án xây dựng chính phủ điện tử, với mục tiêu sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào toàn bộ hệ thống các cơ quan của Thành phố nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả làm việc, tạo ra môi trường minh bạch hơn; cung cấp thông tin và dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, các tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tham gia quản lý, giám sát các hoạt động của chính quyền Thành phố với lộ trình thực hiện theo 3 giai đoạn…
Để hướng tới mục tiêu “xây dựng thành phố thông minh”, hiện tại, Thành phố bắt đầu với việc thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn Thành phố; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai tập trung, ưu tiên cho hình thức thuê dịch vụ CNTT. Tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành trung tâm dữ liệu lớn đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định.
Đến nay TP đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu gần 8 triệu dân cư và khai thác hiệu quả phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của Thành phố; Xây dựng mạng WAN dùng chung toàn thành phố; đưa vào vận hành hệ thống một cửa liên thông điện tử dùng chung toàn thành phố, liên thông từ thành phố đến 30 quận, huyện, và 584 phường xã, thị trấn với 1.260/1.822 dịch vụ công mức độ 3 và 4; Thí điểm triển khai hệ thống biên lai điện tử trong cung cấp các dịch vụ hành chính công; đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt tỷ lệ 100%; hải quan điện tử 100%; kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội trên 98%.
Hà Nội cũng đã kết nối dữ liệu bảo hiểm giám định trong việc thanh toán bảo hiểm y tế tới tất cả bệnh việc của Thành phố, 584 trạm y tế; xây dựng 6,5 triệu hồ sơ khám sức khỏe điện tử; hệ thống quản lý tầm soát ung thư sớm;hoàn thành việc xây dựng, đưa vào hệ thống quản lý 1,8 triệu hồ sơ học sinh phổ thông; ứng dụng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến và tra cứu kết quả học tập của học sinh...
“Trong bối cảnh của một thị trường năng động bên cạnh chủ trương của Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội phát triển thành một Thủ đô “xanh, văn hiến, văn minh và thân thiện” với các giá trị cốt lõi hướng tới là một đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, để phục vụ cho người dân tốt hơn và xây dựng một xã hội gắn kết rộng mở, thân thiện”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ với các doanh nghiệp Thụy Điển.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mời gọi các doanh nghiệp Thụy Điển có thế mạnh về xây dựng TP thông minh đầu tư, đồng hành cùng TP
Chào đón các nhà đầu tư Thụy Điển
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong quá trình triển khai, Thành phố Hà Nội đang đứng trước nhiều câu hỏi về Mô hình và phương thức để triển khai đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Vấn đề hoạch định chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh; Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...
Thụy Điển là một trong những quốc gia giàu kinh nghiệm phát triển và sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực như giao thông công cộng, đô thị thông minh, năng lượng sạch, công nghệ môi trường, y tế, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng thành phố thông minh với nhiều tập đoàn có tên tuổi (như Ericsson, Volvo, ABB, Electrolux, IKEA, Husqvarna, Tetra Pak...).
Do đó, chính quyền Thành phố Hà Nội luôn đánh giá cao và hoan nghênh sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp đến từ Thụy Điển cùng đồng hành với Thành phố triển khai các dự án và chương trình xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực: quy hoạch và phát triển đô thị, giao thông, môi trường, y tế, chuyển giao công nghệ; chế tạo, chế xuất các sản phẩm và các hàng hóa có hàm lượng kỹ thuật cao; lĩnh vực bán lẻ; giáo dục - đào tạo.
"Hà Nội hứa hẹn sẽ là một thành phố đáng sống và là địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn. Chúng tôi luôn luôn coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Thụy điển nói riêng chính là thành công của chính mình. Tôi xin được chào đón cộng đồng các doanh nghiệp Thụy Điển đến với Thủ đô Hà Nội trong thời gian sớm nhất. Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tạo những điều kiện tốt và thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư Thụy điển đầu tư và sản xuất kinh doanh thành công trên địa bàn Thành phố.", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.