Chủ tịch Hà Nội: Đẩy mạnh “chính quyền số - công dân số”, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 9/12, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa XVI, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu HĐND TP và cử tri quan tâm.

Giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị của cử tri

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, để chuẩn bị phục vụ kỳ họp, UBND TP đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng 357 ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND Thành phố và cử tri Thủ đô trước và sau Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.

UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo rà soát việc giải quyết kiến nghị của tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, qua đó đôn đốc giải quyết 278 kiến nghị còn tồn tại; Kết quả tới nay, 100% các kiến nghị của cử tri đã được UBND TP trả lời; riêng năm 2022 đã giải quyết xong 386/573 kiến nghị (đạt tỷ lệ 67,4%); tính lũy kế từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay đã giải quyết xong 1.143/1.370 (đạt tỷ lệ 86,4%) kiến nghị cử tri.

“Thông qua nắm bắt, giải quyết kiến nghị cử tri, các cơ quan chức năng của Thành phố đã có chuyển biến tích cực trong việc tháo gỡ những bức xúc trong thực tiễn, những vướng mắc và bất cập trong cơ chế quản lý, điều hành, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân Thủ đô” - Chủ tịch UBND TP nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Trong đó, điển hình là UBND TP đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban để tập trung chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng mới 06 công viên; cải tạo chỉnh trang 5 công viên và cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa để phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Đồng thời, UBND TP đã chỉ đạo dừng việc bán vé vào cửa từ ngày 01/01/2023 và hạ thấp hàng rào công viên Thống Nhất để tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP cũng chỉ rõ còn một số khó khăn, tồn tại mà cử tri và nhân dân đã có kiến nghị.

Đó là, kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu; Chuyển đổi số còn chậm;

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp so với mục tiêu đề ra; Tổng thu ngân sách tăng khá cao so cùng kỳ và ước cả năm vượt dự toán, tuy nhiên kết quả một số khoản thu, khu vực thu còn thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ;

Thực hiện các khâu đột phá còn nhiều khó khăn, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng; tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp…

Đối với những tồn tại nói trên, UBND TP xác định có một số việc đã được nhận diện nhiều năm những chưa được khắc phục triệt để, nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng đã được các cấp, các ngành chỉ rõ.

“Trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cùng với thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”… để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Đẩy mạnh xây dựng “chính quyền số - công dân số”

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn lực của Thành phố có hạn nhưng phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại về cơ cấu kinh tế lạc hậu, quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường, UBND TP đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2023.

Quang cảnh kỳ họp

Quang cảnh kỳ họp

Đó là, quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên nguyên tắc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, UBND TP; Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra năm 2022.

Đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư…

“Quan điểm cải cách hành chính của Thành phố là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn là con người. Bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng thời với việc đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách và định hướng dài hạn phát triển Thủ đô.

UBND Thành phố cũng sẽ tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và công tác đối ngoại.

Thành phố sẽ tăng cường công tác phối hợp, giám sát chặt chẽ, hiệu quả giữa UBND Thành phố với Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, các Ban của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên… phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.