15 ngày đầu Tháng An toàn giao thông:

Chủ động giải quyết từng việc khó

ANTĐ - Với chủ đề “Phòng chống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”, lực lượng CSGT đã tập trung vào xử lý song song với công tác phân luồng chống ùn tắc giao thông (UTGT). Sáng 16-9, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Duy Ngọc-Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội về kết quả đã đạt được và những khó khăn vướng mắc cần phải giải quyết.


- PV: Lực lượng CSGT CATP Hà Nội đạt được những kết quả gì sau 15 ngày đầu thực hiện Tháng ATGT, thưa đồng chí?

- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Chúng tôi đã chủ động tập trung lực lượng hướng dẫn phân luồng đảm bảo TTATGT, không để ùn tắc, kiềm chế TNGT. Cùng với công tác tuyên truyền rộng rãi dưới nhiều hình thức cho người dân, chúng tôi đã xác định các địa bàn thường tập trung đông những người uống bia rượu và điều khiển phương tiện tham gia giao thông để lập chốt kiểm tra. Công tác xử lý của CSGT cũng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, góp phần cảnh báo TNGT liên quan đến vi phạm này.

Ngoài chuyên đề xử lý rượu bia, lực lượng CSGT còn tập trung tuyên truyền, xử phạt vi phạm liên quan đến dừng đỗ phương tiện sai quy định ở dưới lòng đường, trên vỉa hè. Người vi phạm ngoài bị phạt tiền, tùy theo mức lỗi còn được CSGT tước bằng lái. Chúng tôi cũng phối hợp với CSHS, CSCĐ tập trung 5 tổ công tác tuần tra kiểm soát vào buổi tối và ban đêm nhằm phát hiện những thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông có biểu hiện phạm pháp. Nhiều đối tượng tàng trữ vũ khí, ma túy... đã được chuyển cho Cơ quan CSĐT để làm rõ, xử lý.

- PV: Xử lý vi phạm về nồng độ cồn hiện nay là khá khó khăn, vậy biện pháp thực hiện của CSGT như thế nào để đạt được hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn cho cả người vi phạm và CSGT?

- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Trước khi triển khai chuyên đề này chúng tôi đã nhận thức rất rõ những khó khăn có thể gặp phải. Trong tổng số 1.000 trường hợp vi phạm rượu bia bị xử phạt có không ít người vi phạm phải mất rất nhiều thời gian mới xử lý được. Họ chống đối, không hợp tác bằng rất nhiều hình thức. Đối với những trường hợp này, lực lượng CSGT vẫn kiên trì giải thích, phân tích rõ đúng sai với thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết. Ngoài lực lượng xử lý công khai, chúng tôi còn bố trí các trinh sát mặc thường phục để kịp thời phát hiện, thông báo cho tổ công tác nhanh chóng nhận biết, xử phạt người vi phạm. Nếu họ không chấp hành, chống đối thì tùy theo mức độ sẽ bị CSGT xử lý theo đúng quy định.


- PV: Rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là cán bộ công nhân viên chức. Khi xử lý liệu CSGT có nhân nhượng?

- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai vi phạm cũng bị xử lý nghiêm minh. Phòng CSGT cũng gửi những thông báo theo Thông tư 38 về cơ quan, đơn vị nơi người vi phạm làm việc để phối hợp xử lý.

- PV: Có ý kiến cho rằng hiện nay dường như CSGT chỉ chú trọng xử lý vi phạm, còn nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc đang trở thành thứ yếu?

- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Không chỉ CSGT, nhiệm vụ chống ùn tắc còn là một trong những phần việc hết sức quan trọng của rất nhiều ban, ngành chức năng khác. Trong thời gian qua, yếu tố thời tiết như mưa lớn, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, một số tuyến đường huyết mạch hiện nay vẫn đang trong tình trạng duy tu sửa chữa, nâng cấp đã gây ảnh hưởng rất lớn tới công tác đảm bảo giao thông. Chúng tôi đã cố gắng kết hợp với Sở GTVT và công an các quận, huyện để tổ chức hướng dẫn đảm bảo giao thông, hạn chế tối đa không để ùn tắc nhất là trong giờ cao điểm.

Tất cả những trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm


- PV: Phòng CSGT có chủ trương cho phép CBCS đeo kính màu, khẩu trang khi làm nhiệm vụ. Đại tá có thể nói rõ hơn về vấn đề này?


- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc:
Nếu làm nhiệm vụ ở những nơi vừa nắng nóng, vừa bụi bặm, CBCS có thể đeo kính màu, khẩu trang (trong trường hợp không phải thổi còi) để bảo vệ sức khỏe. Còn khi tiếp xúc trực tiếp với nhân dân trong quá trình giải quyết vi phạm, CBCS không được đeo khẩu trang hay kính màu.

- PV: Xin cảm ơn đồng chí!