Chống lãng phí: Phải quy được trách nhiệm cá nhân

ANTĐ - Hôm qua, 18-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Nhiều ĐBQH cho rằng, chế tài đưa ra phải đủ mạnh mới có thể ngăn chặn được nạn lãng phí đang lan rộng trong xã hội.

Chống lãng phí: Phải quy được trách nhiệm cá nhân ảnh 1
Các khu đô thị bỏ hoang, đất hoang là thực trạng lãng phí nghiêm trọng hiện nay
Ảnh: Nguyên Vũ


Nguy hiểm không kém tham nhũng

Đánh giá lãng phí gây hại không kém gì tham nhũng, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nêu ví dụ: “Lễ lạt, hội hè, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống... làm linh đình quá, tốn kém quá. Họp một buổi trực tuyến có khi tiết kiệm được chi phí xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa cho người nghèo, cho đối tượng chính sách”. ĐB Huỳnh Thế Kỳ cho rằng, phải xác định được trách nhiệm người đứng đầu mới mong chống được lãng phí. Ông nói: “Mình phải làm gương, xăng, xe phải sử dụng như thế nào, kinh phí chi ra sao... để cấp dưới noi theo.” Ông cũng cho rằng, nên nghiên cứu bố trí lại hệ thống bộ máy và tổ chức bởi “bộ máy bây giờ phình ra quá, ở trên còn phình hơn ở dưới”...

Nhận xét một số quy định còn chung chung, chồng chéo, khó khả thi, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) kiến nghị, phải làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền trong một số lĩnh vực đang có nhiều hành vi gây lãng phí về tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. “Bất động sản, nhà máy, bến cảng, các trường đại học, cao đẳng... phát triển theo phong trào, không cân đối cung cầu xã hội, gây lãng phí rất lớn. Có hậu quả này là do chưa quy được trách nhiệm cho người có thẩm quyền, chưa kiểm soát được những đối tượng cơ hội, lợi ích nhóm...”. 

“Bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, đô thị ma - đó chính là thực trạng lãng phí nghiêm trọng nhất hiện nay”. ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) thẳng thắn: “Sự lãng phí này đều bắt nguồn từ người quyết định đầu tư sai trái. Không ít trường hợp đằng sau đó là những động cơ vụ lợi nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa  trách nhiệm của cá nhân gây ra sự lãng phí”. Bà nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung lần này phải quy định cho được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu khi đưa ra quyết định gây lãng phí. 

ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) cùng nhận xét: “Quy hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư như hiện nay gần như không có sự kiểm soát gây lãng phí rất lớn về đất đai, tiền vốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Do đó, nhất thiết phải bổ sung những quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc lập quy hoạch, kế hoạch về kinh tế-xã hội”.

Phải có quy định cụ thể

Ghi nhận Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa tròn 7 tuổi, song ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng, luật chỉ mang tính khẩu hiệu, hô hào, khó thực hiện. Kết quả, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn diễn ra rộng hơn, trầm trọng hơn. ĐB Trương Thái Hiền mong quy định về chống lãng phí phải giống một phong trào như cấm đốt pháo, sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... dần trở thành nếp sống văn hóa thường nhật trong đời sống xã hội. Kiến nghị phải áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) than: “Chống lãng phí ở ta, phần lớn là khuyến khích, động viên và cổ vũ còn chưa xử phạt ai, chưa bắt ai, chưa truy tố ai lãng phí bao giờ, mà chỉ có nhắc nhở nên tôi nghĩ chưa được...”.

Không chỉ quan tâm tới chế tài, nhiều ĐBQH còn đề nghị, phải có quy định về chống lãng phí trong ban hành cơ chế chính sách. ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) nêu quan điểm: “Cơ quan soạn thảo, tham mưu, đề xuất và cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, quyết định đầu tư gây lãng phí thì phải bồi thường. Phải có quy định cụ thể nhằm định lượng mức độ vi phạm nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự!”. Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, ở các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, phải khắc phục cho được tình trạng “cha chung không ai khóc”. Muốn vậy, phải nhanh chóng tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước để đồng vốn của Nhà nước được quản lý và giám sát chặt chẽ hơn. Ở mỗi cơ quan, tập thể cán bộ công nhân viên chức phải thực sự là người làm chủ quyết định theo một cơ chế công khai, minh bạch mới dần ngăn chặn được lãng phí tràn lan.

Báo chí có quyền giám sát chống lãng phí

Nhiều ĐBQH đánh giá khả năng giám sát của các cơ quan báo chí trong lĩnh vực chống lãng phí có hiệu quả khá tốt. Sau khi báo chí đăng một số ảnh, bài viết về xe công đi lễ hội, tình trạng này đã giảm cơ bản. Rất nhiều lĩnh vực các cơ quan quản lý không phát hiện được nhưng cơ quan báo chí lại phát hiện được. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định, các cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.