Chớ tái diễn “giật cục”

ANTĐ - Sự phối hợp thiếu hiệu quả, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn với nhau giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được các nhà hoạch định chính sách cũng như giới chuyên gia nhắc tới nhiều lần. Vấn đề nan giải này lại một lần nữa được “đào sâu” hơn tại cuộc hội thảo “Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính” mới đây.

Kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn và thậm chí có thể còn căng thẳng hơn năm 2012, nếu việc điều hành hai chính sách trên chưa thể phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Đó là một trong những nhận định được rút ra tại cuộc hội thảo. Biểu hiện cụ thể nhất là nền kinh tế tăng trưởng song hành với việc tín dụng tăng cao và lạm phát cũng cao, nợ xấu gia tăng, đầu tư tràn lan kém hiệu quả.

Chẳng hạn, lạm phát năm 2011 lên đến 18,6%, đến năm 2012 được kéo xuống một con số khoảng 9,2%. Các nhà quản lý, điều hành đánh giá đây là một thành tích đáng kể. Những biện pháp sẽ được áp dụng để kiềm chế lạm phát được coi là đúng đắn là nâng lãi suất lên cao, thắt chặt tín dụng. Thế nhưng, dưới góc độ doanh nghiệp đây lại là gánh nặng đè lên vai họ: lãi suất cao, tức là chi phí tài chính cao, khiến cho họ lao đao; thắt chặt tín dụng đồng nghĩa là ít cơ hội được vay vốn làm ăn dễ dàng như trước. Những năm trước, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vọt, có năm như 2008 tăng đến 51%, kéo theo lạm phát phi mã. Khi đó công luận lên tiếng đòi hỏi phải siết lại việc cho vay dễ dãi của hệ thống ngân hàng. Còn nay, tăng trưởng tín dụng thấp chính là hệ quả của việc các ngân hàng thận trọng trở lại, từng bước giải quyết nợ xấu, giải quyết hậu quả sử dụng đòn bẩy tài chính quá tay.

Theo giới chuyên gia, bằng chứng điển hình nhất của sự phối hợp không cùng nhịp và hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thời gian qua là kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh lạm phát “bốc nóng”, có năm lạm phát lên mức hai con số, trở thành “điểm nóng” của nền kinh tế, thì điện, xăng, dầu tiếp tục tăng giá. Chẳng hạn, thời điểm tháng 6 và 7 năm 2012, khi lạm phát giảm xuống mức -0,26% và -0,29%, dư luận tỏ ra lo ngại nền kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát, giảm phát, thì các nhà điều hành chính sách tiền tệ lại đồng thời tăng đồng loạt các mặt hàng như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục nhằm “kích hoạt” lạm phát tăng trở lại. Cung cách điều hành chính sách kiểu giật cục như vậy, theo các chuyên gia chỉ làm triệt tiêu tác dụng của các chính sách. Lẽ ra, trong lúc lạm phát lên Chính phủ phải đưa ra biện pháp thắt chặt đầu tư công thì ở nơi này, nơi kia vẫn quyết định đầu tư. Ngược lại, khi chống thiểu phát thì lại “bật đèn xanh” tăng giá, tăng thuế.

Mặc dù thừa nhận, mục tiêu phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, bản thân là rất mâu thuẫn, song nhiều ý kiến cho rằng, năm 2013 không thể tái diễn tình trạng “giật cục” như năm 2012. Bởi vì điều hành chính sách “giật cục” sẽ làm giảm lòng tin của doanh nghiệp và người dân vào chính sách vĩ mô cũng như cách điều hành chính sách. Một khi “giật cục” sẽ dẫn đến kết cục chẳng tốt đẹp gì.