Cho phép thực hiện sớm việc mua bán vật chứng, nhà đất đã kê biên?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu cho phép thực hiện sớm việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đã kê biên, phong tỏa qua hình thức bán đấu giá khiến khả năng thu hồi các khoản bồi thường thiệt hại cao hơn...

Sáng 30-10, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng, Dự thảo Nghị quyết quy định 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự. Trong đó có 4 biện pháp áp dụng đối với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; có 1 nhóm biện pháp áp dụng có tính chất “khẩn cấp tạm thời” và có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

UBTP tán thành với quy định về các nhóm biện pháp trên, đây là biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập như:

Về biện pháp xử lý vật chứng, tài sản là tiền, Dự thảo quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể ra quyết định trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự, tỷ lệ được pháp luật thi hành án dân sự quy định đối với vật chứng, tài sản là tiền, nếu có đầy đủ các điều kiện quy định.

UBTP nhận thấy, phương án quy định cho phép chi trả cho bị hại trong giai đoạn tố tụng trước xét xử sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho bị hại và cho cả người bị buộc tội (trường hợp khoản bồi thường bị tính lãi).

Vì vậy, UBTP tán thành việc quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng như xác định rõ chủ sở hữu, bị hại; số tiền bị thiệt hại; phải có đề nghị của bị hại, của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản…, đồng thời, phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định.

Về biện pháp nộp tiền bảo đảm để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, Dự thảo quy định cơ chế cho phép người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân được nộp tiền bảo đảm thi hành án để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Số tiền nộp bảo đảm không thấp hơn giá của vật chứng, tài sản theo kết luận định giá tài sản.

UBTP tán thành phương án trên và cho rằng, biện pháp này tạo khả năng sớm thu được khoản bồi thường thiệt hại, giảm thiểu việc phải đưa ra xử lý tài sản, tiết kiệm chi phí, đồng thời, bảo đảm quyền cho chủ sở hữu tài sản.

Về biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản, Dự thảo quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các đồng sở hữu mua lại vật chứng, tài sản.

UBTP cơ bản tán thành quy định của Dự thảo và cho rằng, trong quá trình tố tụng nếu cho phép thực hiện sớm việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đã kê biên, phong tỏa qua hình thức bán đấu giá sẽ tạo khả năng thu hồi các khoản bồi thường thiệt hại cao hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả bị hại và người bị buộc tội.

Về biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, Dự thảo quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong thời hạn không quá 2 tháng khi có căn cứ cho rằng người bị buộc tội hoặc cá nhân, tổ chức khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án.

UBTP tán thành quy định của Dự thảo và cho rằng, đây là biện pháp có vai trò rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng.

Dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thí điểm áp dụng từ 1-1-2025 và được thực hiện không quá 3 năm.