Chính xác thì điều gì khiến Nga ra quyết định rút quân khỏi Kherson?

ANTD.VN -Tư lệnh nhóm lực lượng liên hợp trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt của Nga, tướng Sergei Surovikin lý giải những nguyên nhân dẫn đến việc Nga ra quyết định rút quân khỏi Kherson. Trong khi đó, phương Tây lại đưa ra một vài giả thuyết khác, nghi ngờ về nguyên nhân việc này.

Hôm 10/11/2022, tướng Sergei Surovikin, vị tướng mới được bổ nhiệm làm Tư lệnh nhóm lực lượng liên hợp trong khu vực hoạt động quân sự dặc biệt của Nga thông báo, quân đội Nga rút khỏi hữu ngạn sông Dnepr và hình thành các vị trí phòng thủ ở bờ trái con sông này.

Thông tin về việc Nga rút quân khỏi hữu ngạn sông Dnepr đã khiến giới chức quân sự Mỹ và Ukraine cũng như các chuyên gia quân sự hết sức bất ngờ. Vậy điều gì đã dẫn đến quyết định này của quân đội Nga?

Kẻ từ khi được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy cao nhất của Quân đội Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi đầu tháng 10 đến nay, Tướng Sergei Surovikin không bao giờ che giấu sự thật về một tình huống “rất phức tạp” đã phát triển ở mặt trận Kherson.

Ông nhấn mạnh rằng, những nước NATO đang giật dây quân đội Ukraine đã yêu cầu thực hiện các hoạt động tấn công trong hướng Kherson “để đánh bật quân đội Nga khỏi bờ phải Kherson”, bất kể tổn thất đối với lực lượng vũ trang Ukraine và cả dân thường”.

Ông Surovikin cho biết, thành phố Kherson và các khu dân cư liền kề không thể cung ứng đầy đủ và đảm bảo chức năng sống trong điều kiện hiện tại, cuộc sống của cư dân thường xuyên gặp nguy hiểm do đối phương pháo kích.

Vị tướng Nga lưu ý rằng, các cuộc tấn công từ hệ thống HIMARS đã làm hư hỏng cây cầu Antonovsky nối hai bờ trái phải của Kherson qua sông Dnepr, cũng như nhà máy thủy điện Kakhovka gần đó, điều này làm phức tạp tình hình giao thông và gây ra khó khăn trong việc cung cấp thực phẩm và điện.

Ngoài ra, ông Surovikin còn tiết lộ việc Moscow có thông tin tình báo cho hay Kiev đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công tên lửa lớn vào đập Kakhovka, cũng như các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh bừa bãi nhằm vào thành phố Kherson và dân số hơn 180.000 người trong đó.

Vị tướng này nhấn mạnh, các kế hoạch và hành động trong tương lai của Moscow liên quan đến thành phố Kherson sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của tình hình chiến thuật-quân sự, dựa trên nhu cầu giữ gìn mạng sống của cả dân thường và quân nhân Nga.

Vào hôm 10/11, tướng Surovikin cho rằng, đã đến thời điểm để đưa ra quyết định như vậy. Ông một lần nữa xác nhận mối đe dọa về một cuộc tấn công của Ukraine vào đập Kakhovka và cảnh báo “một mối đe dọa bổ sung sẽ phát sinh đối với dân thường và sự cô lập hoàn toàn của nhóm quân Nga ở bờ phải sông Dnepr.

Tướng Surovikin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đồng ý với đánh giá của ông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo toàn tính mạng của cả quân nhân và dân thường.

Giới chuyên gia quân sự Moscow khẳng định, việc rút quân rõ ràng là một quyết định khó khăn, nhưng điều đó không đồng nghĩa là Nga đã thất bại. Theo họ, không có gì có thể đạt được một cách vội vàng. Không khó để chiếm một pháo đài, cái khó là để giành chiến thắng trong cả chiến dịch.

Trong bối cảnh chiến lược và lịch sử, việc rút quân sang tả ngạn sông Dnepr có thể nói là dựa trên lợi ích rộng lớn hơn là giành chiến thắng trong “cuộc chiến ủy nhiệm” mà phương Tây tuyên bố với Nga, chứ không phải chỉ chiến thắng trong một trận chiến.

Trong Chiến tranh phương Bắc chống Thụy Điển năm 1700-1721, Pháp xâm lược Nga năm 1812 và Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945, các chỉ huy Liên Xô quyết định rút quân hàng chục, thậm chí hàng trăm km khi cần thiết, nhưng không bao giờ đánh mất mục tiêu chiến lược.

Đề cập đến việc Moscow rút quân khỏi hữu ngạn sông Dnepr chấp nhận buông bỏ thành phố Kherson – thủ phủ vùng lớn nhất và cũng là duy nhất mà Nga chiếm được từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, giới chức lãnh đạo Kiev vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Tuy nhiên, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã nhận định rằng, Moscow rút quân do đã chịu thiệt hại nặng nề, với hơn 100.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine, trong đó lực lượng của Kiev cũng gánh chịu một thiệt hại tương tự.

Khi được hỏi về triển vọng ngoại giao cho một thỏa thuận ngừng bắn sắp tới ở Ukraine, ông Milley lưu ý rằng, việc sớm từ chối đàm phán trong Thế chiến thứ nhất đã làm tăng thêm đau khổ cho con người và dẫn đến hậu quả là thêm hàng triệu người thương vong.

Trong bối cảnh Nga và Ukraine đang sắp đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt, vị tướng quân đội Mỹ cho biết, khi có cơ hội để đàm phán, khi có hy vọng sẽ đạt được hòa bình thì hai bên hãy cố gắng nắm bắt thời cơ.