Nhất thể hóa - Con đường phải đi để tinh gọn bộ máy (2)

Xem xét cả hai mặt của tập trung quyền lực

ANTD.VN - Việc nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã không chỉ giúp tinh gọn chức danh mà còn khiến bộ máy vận hành hiệu quả, không còn độ trễ nữa. Tuy nhiên, nhất thể hóa không phải phép cộng đơn thuần. Phía sau một quyết định nhất thể hóa còn vô vàn việc phải làm; nhiều quy định phải điều chỉnh, bổ sung; nhiều con người phải đào tạo, bồi dưỡng…

Xem xét cả hai mặt của tập trung quyền lực ảnh 1Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) Ảnh: Lam Thanh

Dồn gánh nhưng không nặng vai

Trong mô hình nhất thể hóa, việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra với Chánh Thanh tra; Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc… đều đang được nghiên cứu và mới ở giai đoạn thí điểm ở một vài địa phương. Riêng việc nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND đã được áp dụng thí điểm từ lâu ở nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh và đã chứng tỏ được tính ưu việt. 

Bàn về mô hình nhất thể hóa các chức danh, cùng với đó là sự hợp nhất một số cơ quan Nhà nước với cơ quan Đảng, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn Đại  biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đây không phải là câu chuyện bây giờ mới bàn. Có rất nhiều nội dung xoay quanh chủ trương này nhưng yêu cầu chung đặt ra là làm sao khi nhất thể hóa, công việc vẫn vận hành thông suốt, dồn gánh nhưng không nặng vai và đặc biệt là phải ngăn ngừa được những tiêu cực có thể phát sinh do tập trung quyền lực.

Phó trưởng Đoàn Đại  biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu vấn đề: “Trong quá trình giám sát về công tác cải cách hành chính ở tỉnh Quảng Ninh, một trong những địa phương đi đầu về thí điểm nhất thể hóa, tôi đã đặt ra những khó khăn mà tỉnh này phải đối mặt khi thực hiện chủ trương này.

Chẳng hạn, nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND sẽ thuận, nhưng khi Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thì hiệu quả ra sao và phải làm thế nào để kiểm soát quyền lực, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”? Khi đó, đại diện tỉnh Quảng Ninh có trả lời là các vị trí lãnh đạo này “sẽ hoạt động theo quy chế hoạt động cấp ủy, Điều lệ Đảng và quy định pháp luật liên quan”. 

“Đồng chí lãnh đạo đó khi ở vai nào thì thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình theo các hệ thống quy chế, quy định pháp luật đối với vị trí đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây mới chỉ là câu trả lời mang tính lý thuyết và cơ chế kiểm soát quyền lực của người giữ chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND vẫn còn chưa thực sự rõ ràng do chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đảng, HĐND và UBND cấp xã hiện nay được quy định khá rộng” - đồng chí Nguyễn Tiến Sinh phân tích.

Không đơn giản để hội đủ điều kiện

Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, khi thực hiện mô hình nhất thể hóa về chức danh và hợp nhất một số cơ quan tổ chức, có một số vấn đề cần đặc biệt lưu ý. Trước hết, đó là việc các cơ quan của Đảng và cơ quan Nhà nước dù có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ nhưng lại là 2 cơ quan khác nhau, hoạt động độc lập. Cơ quan Nhà nước hoạt động theo luật chuyên ngành trong khi các cơ quan của Đảng hoạt động theo Điều lệ Đảng và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, từ Bộ Chính trị đến cấp ủy địa phương.

Nói chi tiết hơn là một bên hoạt động theo Nghị quyết, theo Điều lệ; còn bên kia hoạt động theo Hiến pháp, các đạo luật và quy định pháp luật liên quan… nên để hợp nhất được hiệu quả, cần xử lý được mối quan hệ phức tạp giữa những cơ quan này để đảm bảo sự tương đồng nhưng không chồng chéo. 

“Đây là vấn đề nói thì dễ nhưng để thực hiện ở các địa phương có nhiều khó khăn. Tôi nói ví dụ, khi giám sát ở Quảng Ninh, chúng tôi thấy câu chuyện nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra với Chánh Thanh tra cấp huyện không hề đơn giản” - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu ý kiến. 

Người giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đương nhiên nằm trong Thường vụ cấp ủy, trong khi đó, Chánh Thanh tra chỉ là cấp ủy viên. Chánh Thanh tra có thể nói là một chức danh Nhà nước, với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định rõ ràng trong Luật Thanh tra. Để trở thành Chánh Thanh tra, trước hết người đó phải là thanh tra viên và còn phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí về phẩm chất, năng lực, trình độ, tuổi tác… được ngành Thanh tra quy định. Thế nên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra dù là Thường vụ cấp ủy nhưng lại chưa chắc đã đủ điều kiện để trở thành Chánh Thanh tra. 

“Đây là một trong những vấn đề đang vướng mắc, không dễ giải quyết. Cho nên, tôi cho rằng, chúng ta phải xử lý được cơ sở pháp lý về hoạt động của các cơ quan của Đảng và các cơ quan của Nhà nước thì mới tiến hành nhất thể hóa hay hợp nhất hiệu quả được” – đồng chí Nguyễn Tiến Sinh nói.

Coi chừng mặt trái

Từng theo dõi và đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhất thể hóa các cơ quan Đảng và chính quyền, đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa, cụ thể là vị trí Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã tại nơi có đủ điều kiện,  sẽ tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Vì theo quy trình, nếu 2 vị trí đó tách riêng, trước hết, cấp ủy phải họp, cho ý kiến rồi mới triển khai sang UBND, HĐND. Nếu Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND hay UBND, sau khi có ý kiến cấp ủy, công việc sẽ được triển khai luôn, giảm bớt thời gian chờ đợi, gần như không còn độ trễ nữa.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, xét ở góc độ điều hành, nhất thể hóa là sự tập trung quyền lực và sự lãnh đạo. Điều này sẽ luôn tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực. Cái được là tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của HĐND, UBND. Các nhiệm vụ trọng tâm và nhu cầu bức thiết của nhân dân sẽ được giải quyết nhanh hơn, không phải qua các bước trung gian, giảm được chi phí hành chính phục vụ, tiết kiệm được ngân sách. Ở phía ngược lại, tập trung quyền lực cũng dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền… 

“Đây là thực tế tất yếu! Do đó, yếu tố quan trọng trong nhất thể hóa chính là con người. Nếu chọn người không có chuyên môn, thực tiễn, không có đạo đức thì rất nguy hiểm. Cùng với đó, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, phát huy được mặt tích cực để làm cho mô hình đi đúng hướng, đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất” - đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

Nhốt quyền lực trong lồng lập pháp

Việc kiểm soát quyền lực phải được duy trì thông qua thể chế pháp lý về kiểm soát quyền lực. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Phải nhốt quyền lực trong lồng quy chế lập pháp”. Ở bình diện vĩ mô, đó là tổng thể các quy định trong Hiến pháp, Điều lệ Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế… được quyết định bởi Đảng và Nhà nước. 

“Hoạt động kiểm soát quyền lực phải được thực hiện thông qua các tổ chức có tính hệ thống, đó là những yếu tố chi phối có tính áp đặt, ràng buộc từ bên ngoài nhằm đảm bảo quyền lực được thực hiện một cách đúng mục đích, có hiệu lực và hiệu quả. 

Ngoài ra, hoạt động kiểm soát quyền lực còn được thực hiện bằng cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng; giám sát của Quốc hội, HĐND, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội và đặc biệt là đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện hơn nữa các quy định, quy chế, phương pháp kiểm tra, giám sát để ràng buộc hành vi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi được giao quyền” - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nêu rõ.

(Còn nữa)