Hà Nội vừa test nhanh tìm nCoV vừa lấy mẫu để xét nghiệm RT-PCR tại trạm di động

ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận, huyện, thị xã vừa thực hiện test nhanh tìm nCoV vừa kết hợp lấy mẫu để xét nghiệm RT-PCR tại trạm lấy mẫu di động.

Để tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND  TP Nguyễn Đức Chung vừa có Công điện khẩn số 4 gửi các quận, huyện, thị xã, đơn vị chức năng trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND  TP yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện thị xã vừa thực hiện test nhanh để tìm nCoV vừa kết hợp lấy mẫu để xét nghiệm RT-PCR tại trạm lấy mẫu di động đặt ở các quận, huyện, thị xã. Việc này phải được thực hiện ngay từ chiều tối ngày 2/4.

Từ ngày 31/3, Hà Nội triển khai tổ chức 10 trạm xét nghiệm nhanh Covid- 19  cho người dân trên địa bàn. Mỗi trạm có diện tích là 3x3m, có điện, wifi, làm việc được 24/24. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong 10 phút, thông qua việc lấy mẫu máu.

Các trạm xét nghiệm này đã được thiết lập ngay trong đêm 30-3 và được đặt tại phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng), trường Trung học cơ sở Đống Đa (quận Đống Đa), Công viên Bách Thảo (quận Ba Đình) và khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai).

Hà Nội triển khai tổ chức 10 trạm xét nghiệm nhanh Covid- 19 từ ngày 31/3 

Liên quan tới vấn đề xét nghiệm, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 chiều 1/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin thêm: Hiện có 2 phương pháp xét nghiệm để phát hiện người nhiễm COVID-19. Một là phải sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao (nếu được thực hiện đúng). Hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày).

Trong phương pháp thứ hai, có loại test thử nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Việt Nam đã nhập khẩu test thử nhanh từ Hàn Quốc.

Test thử nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn (độ nhạy khoảng 65 – 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60 – 70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác).

Vì vậy, loại xét nghiệm nhanh sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.

Đối với Việt Nam, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách ly những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy để xác định chính xác.

Trường hợp có một cộng đồng nhỏ cần đánh giá nhanh để dự báo mức độ nhiễm bệnh thì có thể sử dụng nhưng không được coi kết quả để kết luận là nhiễm bệnh hay chưa nhiễm bệnh.

TP Hà Nội đã sử dụng xét nghiệm nhanh để sơ bộ đánh giá mức độ lây lan, từ đó có phương án ứng phó phù hợp.