Dấu ấn đổi mới tại phiên chất vấn: Giảm thời gian, tăng hiệu quả

ANTD.VN - So với kỳ họp trước đó, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV chỉ kéo dài trong 2,5 ngày (giảm 0,5 ngày), song số lượt đại biểu được chất vấn và tham gia tranh luận lại tăng lên (230 lượt)…

Nhìn lại phiên chất vấn tại Quốc hội trong tuần vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ sự hài lòng về nội dung cũng như hình thức đổi mới chất vấn, đánh giá cao phần trả lời của các thành viên Chính phủ, cùng với đó là sự điều hành linh động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Dấu ấn đổi mới tại phiên chất vấn: Giảm thời gian, tăng hiệu quả ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn

2,5 ngày, 230 lượt ĐBQH chất vấn vàtranh luận

Thay vì tiến hành theo hình thức ĐBQH có thể chất vấn với bất kỳ một thành viên Chính phủ nào, kỳ họp thứ 7 quay trở lại hình thức chất vấn theo các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn. Ứng với 4 nhóm vấn đề chất vấn là 4 Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đăng đàn để trả lời trực tiếp các ĐBQH, một số thành viên Chính phủ liên quan tham gia trả lời cùng. 4 Bộ trưởng đăng đàn tại phiên chất vấn vừa qua gồm: Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH về những nội dung liên quan tại kỳ họp.

Lý giải về việc thời gian chất vấn tại kỳ họp thứ 7 rút ngắn hơn nhưng số lượt ĐBQH được trực tiếp tham gia chất vấn và tranh luận tại nghị trường lại tăng lên so với kỳ họp trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, điều cần khẳng định đầu tiên là phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp này tiếp tục áp dụng những cải tiến tại các kỳ họp trước. Điểm mới đáng chú ý nữa, trước khi bước vào phiên chất vấn của mình, các Bộ trưởng không trình bày báo cáo mà chỉ được phát biểu “không quá 5 phút” để thông tin đến các ĐBQH. Mỗi lần chất vấn có 5 đại biểu hỏi; mỗi ĐBQH chỉ hỏi 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời chất vấn của mỗi ĐBQH. 

Thêm một sự cải tiến về hình thức chất vấn là các ĐBQH có thể tranh luận khi thấy không thỏa đáng, nhưng thời gian tranh luận không quá 2 phút; đặc biệt tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn; các đại biểu không chất vấn thì không tranh luận với người đặt câu hỏi; thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn. Tổng cộng, tại phiên chất vấn, đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận. 

Điều hành linh hoạt, tranh luận sôi nổi và dân chủ

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhận được các câu hỏi đến từ 47 ĐBQH và 11 lượt ĐBQH tranh luận. Với nhóm nội dung thứ hai, đã có 49 ĐBQH đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và 9 ĐBQH tranh luận. Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có 44 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn và 6 ĐBQH tranh luận. Với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, trong phần chất vấn, có 34 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn và 9 đại biểu tranh luận. 

Theo đánh giá từ đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 đã diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Các vị ĐBQH đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung đi thẳng vào vấn đề chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận xét: “Câu hỏi chất vấn của các ĐBQH một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, nhưng mặt khác cũng chính là sự đồng hành, chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời cũng là những gợi ý, bổ sung những giải pháp cho các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành”. 

Ở chiều ngược lại, các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp; nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành. Dù vậy, vẫn còn phần trả lời của một số Bộ trưởng còn chung chung, thậm chí “còn hơi dài, chưa đi vào trọng tâm vấn đề”. 

Với riêng phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiều ĐBQH đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, chủ động, đúng quy định, khoa học, hợp lý của Chủ tịch Quốc hội và cho rằng chính sự điều hành đó đã đóng góp vào thành công chung của phiên chất vấn, trả lời chất vấn. 

“Sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội đã để lại ấn tượng đối với tôi trong kỳ họp này”, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đánh giá. Phân tích kỹ hơn, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, qua điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cử tri và người dân cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.