Nhũng sự cố chết người
Tại Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai đang điều tra vụ việc chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội), tử vong sau 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật thẩm mỹ.
Trước đó, H đã đến cơ sở thẩm mỹ được bạn giới thiệu để nâng mũi. Một ngày sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin của Bệnh viện (BV) Bạch Mai thông báo về tình trạng nguy kịch của chị. Dù được tích cực cứu chữa, nhưng sau 2 tháng hôn mê chị H đã tử vong.
Cô gái 22 tuổi đã tử vong sau khi nâng mũi |
Còn tại TP.HCM, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan điều tra vụ chị N.T.N.N. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) đã đến BV 1A theo lịch hẹn của bác sĩ để thực hiện phẫu thuật nâng ngực nhưng sau đó đã mất mạng.
Được biết, liên quan đến các vụ việc trên, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế Hà Nội, TP.HCM báo cáo đầy đủ vụ việc, làm rõ nguyên nhân, kết luận chuyên môn, bằng cấp chuyên môn của người thực hiện phẫu thuật, về hợp đồng của bác sĩ với Bệnh viện 1A, tình trạng người bệnh và nguyên nhân tử vong...
Thời gian qua, việc phẩu thuật thẩm mỹ đã trở nên khá phổ biến. Không chỉ cắt mí mắt, nâng, thu hẹp cánh mũi, tiêm chất làm đầy, nhiều người còn lựa chọn các dịch vụ phức tạp hơn như nâng ngực, hút mỡ bụng. Với tâm lý ham rẻ lại e ngại, một số chị em đã giấu diếm người thân, bạn bè, tìm đến một số cơ sở làm đẹp ít tên tuổi nằm trong các ngõ ngách để thực hiện phẫu thuật. Đến khi “sự đã rồi”, bản thân họ là người chịu thiệt.
Trước nhu cầu làm đẹp của người dân, các cơ sở làm đẹp treo biển “thẩm mỹ viện” mọc lên ngày càng nhiều với những lời quảng cáo có cánh “Thẩm mỹ viện số 1 cùng các chuyên gia, bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ đầu ngành đã từng tu nghiệp ở nước ngoài với đôi bàn tay “vàng’” kèm theo vô số những hình ảnh của những người đẹp có tên tuổi. Tuy vậy, thực chất chỉ có số ít cơ sở làm đẹp được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ.
Cần mạnh tay với những cơ sở thẩm mỹ “chui”
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, dù nhiều tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, có người “tiền mất, tật mang” đến hết đời, có người phải trả giá bằng cả tính mạng nhưng sự hấp dẫn của việc làm đẹp vẫn không khiến chị em chùn bước. Đây cũng chính là lý do tồn tại của một số cơ sở thẩm mỹ không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn thực hiện các hoạt động như một phòng khám, một Bệnh viện thẩm mỹ.
Hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở phẫu thuật “chui”, không có đăng ký hoặc bác sĩ không đúng chuyên môn rất dễ phát sinh những tai biến nguy hiểm. Đẹp đâu chưa thấy, nhưng thực tế đã có không ít người phải trả giá đắt bởi những tổn thương, biến dạng trên cơ thể, thậm chí thiệt mạng.
Còn theo Bác sỹ T.H – người có kinh nghiệm gần 10 năm làm phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân, song khi có nhu cầu đi làm phẫu thuật, thẩm mỹ yếu tố an toàn tính mạng phải được đặt lên hàng đầu.
Do đó, khách hàng phải tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ tới làm đẹp, nên tới thăm khám, thực hiện phẫu thuật ở Bệnh viện đa khoa có nhiều chuyên khoa, để tiện xử lý khi không may xảy ra sự cố.
Thực tế cho thấy hiện một số Bệnh viện tư, cơ sở làm đẹp thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ khá nhiều, trong khi nguồn nhân lực khiêm tốn, không đủ sức thuê cả 1 êkip phẫu thuật và gây mê hay theo dõi hậu phẫu.
Trong khi đó, việc theo dõi sau mổ vô cùng quan trọng, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh lý khác. Việc giám sát huyết áp, nhịp thở, SP02, có thể phát hiện tình trạng bệnh nhân có chảy máu, lên cơn hen suyễn hay không. Nếu không được theo dõi thường xuyên, nguy cơ rủi ro cho các bệnh nhân này là khá cao.
Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng cần xem xét, siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các cơ sở hoạt động thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý cơ sở hoạt động trái phép…