Chính thức bổ sung một số đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế 100%

ANTD.VN - Chiều 27-11, với 446/455 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,11%), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật BHYT

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người tham gia BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Một số trường hợp khác nhận 100% mức hưởng gồm: người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu;

Người khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản; khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1-1-2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này trước khi các ĐBQH bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, dự thảo luật quy định đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

UBTVQH cũng đã chỉ đạo thiết kế trong dự thảo Luật quy định về mức hưởng BHYT trên cơ sở xóa bỏ "địa giới hành chính" trong khám chữa bệnh, giữ ổn định mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Ngoài ra, UBTVQH giữ quy định của Luật hiện hành về mức hưởng BHYT với đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu.

Về việc một số ĐBQH đề nghị thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh sớm trước ngày 1-1-2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến của đại biểu là xác đáng, việc triển khai liên thông kết quả cận lâm sàng được càng sớm, càng tốt, giúp người bệnh giảm số lần xét nghiệm, giảm chi phí tiền túi và tiết kiệm cho quỹ BHYT.

Tuy nhiên, căn cứ vào báo cáo của Bộ Y tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, dù Chính phủ đã rất tích cực nhưng tới nay việc liên thông còn khó khăn. Bên cạnh đó, quy định của dự thảo Luật cũng được xây dựng để bảo đảm sự đồng bộ với quy định về hạ tầng công nghệ thông tin tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ lại quy định: “Chậm nhất là ngày 1-1-2027 thực hiện liên thông, sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT phù hợp với yêu cầu chuyên môn theo quy định của Chính phủ”.