Trong bối cảnh ngành dịch vụ kho vận phát triển mạnh mẽ, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) tại các cơ sở kinh doanh đang trở thành một nhiệm vụ cấp thiết và trọng tâm trong quản lý nhà nước. Với tính chất phức tạp của hoạt động kho vận – nơi tập trung khối lượng lớn hàng hóa, bao gồm cả những loại dễ cháy nổ – việc đảm bảo an toàn không chỉ bảo vệ tài sản, tính mạng con người mà còn góp phần duy trì ổn định an ninh trật tự và hiệu quả kinh tế xã hội.
Trung tướng, PGS, TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng trường Đại học PCCC chủ trì hội thảo |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Đại tá, PGS Lê Quang Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC nhấn mạnh: Hiện nay, ngành dịch vụ Logistics, đặc biệt là dịch vụ kho vận, đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đóng góp khoảng 4,5% GDP cả nước. Tuy nhiên, hơn 15.000 kho trên toàn quốc, phần lớn có kết cấu chịu lửa kém, hệ thống điện xuống cấp, và thiếu phương tiện PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ. Các kho thường xây kín, lưu trữ hàng hóa số lượng lớn, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH).
Trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, hội thảo khoa học “Công tác PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ kho vận” đã được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nâng cao nhận thức về vai trò của các lực lượng liên quan, và đề xuất giải pháp cải thiện hiệu quả công tác PCCC và CNCH trong lĩnh vực này.
Trong đó, đáng chú ý là bài tham luận về “Các giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ kho vận” của đồng chí Đại tá, PGS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH.
Để nâng cao công tác PCCC&CNCH tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ kho vận, người đứng đầu cơ sở cần chủ động nghiên cứu và thực hiện các quy định về PCCC, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định, và duy trì phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn.
Các đại biểu tại hội thảo |
Cơ sở phải đảm bảo hạ tầng về PCCC, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC bảo đảm quy chuẩn, phân loại hàng hóa nguy hiểm và sắp xếp hợp lý để ngăn cháy lan. Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khắc phục vi phạm, đồng thời tuyên truyền và huấn luyện cho cán bộ, công nhân viên. Việc chuẩn bị lực lượng và phương tiện ứng phó kịp thời khi có sự cố sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn PCCC, từ đó tạo môi trường ổn định cho phát triển sản xuất và kinh doanh.
Thượng tá, TS. Trần Đức Hoàn đã trình bày bài tham luận về "Ứng dụng hệ thống cảm biến radar kết hợp camera AI trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tại nhà kho, nhà xưởng". Bài tham luận đã nêu bật tiềm năng của công nghệ hiện đại trong việc giám sát và phát hiện sớm các sự cố, từ đó nâng cao khả năng phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp.
Toàn cảnh hội thảo |
Liên quan đến giải pháp đảm bảo an toàn trong môi trường nguy hiểm, bài tham luận "Thiết kế và lựa chọn thiết bị điện phòng nổ - giải pháp tối ưu cho an toàn kho hàng có môi trường nguy hiểm cháy nổ", do Thạc sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Phát Triển Kỹ Thuật DPKT, trình bày, đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản, con người một cách hiệu quả.