Chính sách của Đức với Nga khiến Ba Lan và Ukraine tức giận

ANTD.VN - Giới truyền thông cho biết, Ba Lan và Ukraine tức giận khi Đức vẫn dành sự ủng hộ lớn cho Nga và trợ giúp Kyiv một cách "nhỏ giọt".

Những chính sách do Đức thực hiện bị cho là quá "thân Nga", điều này đang khiến Ba Lan và Ukraine tức giận, giáo sư sử học Bogdan Musial đã đưa ra nhận định nói trên trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ wPolityce.

Theo nhà sử học người Ba Lan, Đức không có khuynh hướng ủng hộ quan điểm của phương Tây về cuộc khủng hoảng Ukraine. Các nhà chức trách Berlin cũng thường xuyên trì hoãn việc cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Ví dụ, Thủ tướng Olaf Scholz từ chối bàn giao xe tăng Leppard 2. Đồng thời cho rằng vũ khí của Đức là “quan trọng” ở miền Đông Ukraine. Ông lưu ý rằng Ukraine đã nhận được pháo tự hành Gepard và PzH 2000 do nước này viện trợ.

“Thủ tướng Scholz cố tình nói sai về lời hứa cung cấp vũ khí, cũng như khối lượng và giá trị của chúng. Cho tới lúc này Đức chỉ bàn giao nhỏ giọt vài hệ thống Pzh 2000, Gepard hay MARS II so với con số hàng chục mà họ từng cam kết".

"Hãy tính toán xem cần bao nhiêu phương tiện tác chiến cho một mặt trận rộng lớn như tại Ukraine, chưa kể số vũ khí do Đức cung cấp luôn có vấn đề về chất lượng”, giáo sư Bogdan Musial nhấn mạnh.

Ông Musial cũng nhắc lại rằng Ba Lan đã nhanh chóng gửi hàng chục tổ hợp pháo tự hành Krab cho Ukraine cùng với 400 xe tăng T-72M cùng PT-91, số vũ khí trên đã đóng vai trò rất quan trọng trên thực địa.

Đặc biệt khi so với Đức, Ba Lan có khả năng tài chính và kỹ thuật ít hơn nhiều để hỗ trợ Lực lượng vũ trang Ukraine. Có vẻ như Berlin đang cố tình làm mọi cách để gây khó cho Kyiv. Theo nhà sử học, lý do cho điều này chính là quan điểm thân Nga.

“Tôi không thấy lời giải thích nào khác ngoài quan điểm thân thiết với Điện Kremlin của Đảng SPD đang cầm quyền tại Đức, và do đó trong chính phủ nước này, từ Bộ trưởng Quốc phòng cho đến Thủ tướng đều đang 'làm lợi' cho Nga".

"Với vị thế đầu tàu của Liên minh châu Âu, Đức dĩ nhiên không thể công khai ủng hộ Nga như cách mà Hungary vẫn đang làm, nhưng hành động của Berlin không khác gì một sự trợ giúp dành cho Điện Kremlin”.

"Bên cạnh việc trì hoãn giao vũ khí, Đức còn gây sức ép không cho các quốc gia khác thuộc NATO chuyển giao cho Ukraine những trang thiết bị quân sự từng thuộc về Berlin hay mua từ họ, đây là điều khó chấp nhận", giáo sư Bohdan Musial nhấn mạnh.

Ngoài ra giáo sư Musial cũng chắc chắn rằng Berlin với mục đích hỗ trợ Nga đã quyết định thực hiện hành vi bị coi là "tống tiền" đối với Warsaw.

Warsaw gần đây đã yêu cầu Berlin bồi thường 1,3 nghìn tỷ USD cho những thiệt hại phải chịu trong Thế chiến thứ hai. Các nhà chức trách Đức đã từ chối, và thậm chí Thủ tướng Olaf Scholz còn cảnh báo Ba Lan về việc sửa đổi đường biên giới giữa hai nước.

“Đây là một gợi ý rõ ràng, một sự tống tiền được che đậy: 'Nếu bạn yêu cầu bồi thường, chúng tôi sẽ bắt đầu sửa đổi các đường biên giới', Thủ tướng Olaf Scholz không nói điều này một cách tự nhiên".

"Những bài phát biểu như vậy được viết một cách có ý thức, được phát triển và thảo luận kỹ lưỡng. Nâng cao vấn đề biên giới là 'tống tiền chính trị' thể hiện bộ mặt thật của SPD. Tôi tin rằng chính quyền Đức hiện tại không thân thiện Ba Lan và ủng hộ Nga”, giáo sư Musial kết luận.