'Chiến thần' review sai sự thật về món ăn, nhà hàng có thể bị phạt tiền, phạt tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều “chiến thần” chuyên review (đánh giá) về các quán ăn, nhà hàng. Những TikToker, YouTuber... này đã đăng clip, livestream nhận xét công khai về chất lượng món ăn nơi mình đến với lời chê nhiều hơn khen khiến nhiều chủ quán ăn bức xúc.

Tranh cãi nảy lửa giữa các reviewer và chủ quán ăn

Việc một số cá nhân review quán ăn trên mạng xã hội đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa với các quan điểm trái chiều. Ở góc độ tích cực, một số người cho rằng những ý kiến phản hồi, đóng góp từ TikToker, YouTuber sẽ giúp cho chất lượng dịch vụ, món ăn ở các hàng quán được cải thiện theo chiều hướng tốt và điều này nhằm quảng bá cho quán.

Song ở chiều ngược lại, không ít người lại nhận định, các video review tiêu cực nhiều hơn tích cực chỉ phản ánh quan điểm của cá nhân sẽ ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của các nhà hàng. Do vậy không ít điểm kinh doanh ăn uống đã công khai treo biển kèm theo ảnh không tiếp một số TikToker, YouTuber chuyên review quán ăn.

Hiện trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt "chiến thần" review quán ăn, nhà hàng

Hiện trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt "chiến thần" review quán ăn, nhà hàng

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin song phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Các TikToker, Facebooker, YouTuber… (gọi chung là các reviewer) đi đến các quán ăn, nhà hàng để chia sẻ những trải nghiệm của bản thân về sản phẩm, dịch vụ, thức ăn và đưa lên mạng xã hội. Về bản chất, họ cũng là khách hàng, người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ đó nên theo khoản 4 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, họ có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng...

Đồng thời, người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Nếu chia sẻ của các Reviewer trên mạng xã hội là đúng sự thật, công tâm về các sản phẩm, dịch vụ, thức ăn mà họ sử dụng thì việc này không vi phạm pháp luật, thậm chí còn có tác dụng tích cực trong việc quảng bá một sản phẩm, dịch vụ.

Song nếu các reviewer đặc biệt là những cá nhân có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội tranh thủ sự ảnh hưởng của mình để review các sản phẩm, dịch vụ, món ăn không đúng sự thật, mang tính "dìm hàng" nhằm mục đích làm mất uy tín, hạ bệ các sản phẩm này, khiến người tiêu dùng lo lắng, gây thiệt hại về doanh thu của cá nhân, tổ chức khác thì là hành vi vi phạm pháp luật - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Chủ quán treo ảnh TikToker và từ chối phục vụ có phạm luật?

Theo quy định hiện hành, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự của cá nhân bị nghiêm cấm, sẽ bị xử phạt theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với số tiền 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, các reviewer còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, nhầm lẫn - Luật sư Hồng Vân phân tích.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân có hành vi bịa đặt, lan truyền, cung cấp thông tin sai sự thật về các sản phẩm, dịch vụ, thức ăn của các nhà hàng, quán ăn và cố tình đưa lên mạng nhằm mục đích xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội như: Tội vu khống (Điều 156), Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288), Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331)…

Khi bị “bóc phốt”, review với các thông tin không đúng sự thật, các chủ cơ sở nhà hàng, quán ăn có thể khởi kiện các reviewer ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được bồi thường thiệt hại.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, với các quán ăn đồng loạt treo ảnh và biển từ chối tiếp một số reviewer, hiện không có quy định nào cấm các quán ăn không được từ chối khách. Song, việc treo hoặc dán hình ảnh của người khác là vi phạm đến quyền hình ảnh. Bên cạnh đó, hành vi “phân biệt đối xử với khách du lịch” còn có thể bị phạt từ 1-3 triệu đồng (khoản 3 Điều 6 Nghị định 45/2019/NĐ-CP).