- Bộ Ngoại giao nói về quan hệ Việt Nam - Mỹ trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
- Cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn đang rất sít sao
- “Nóng” chuyện tuổi tác trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Tháng 11-2000, sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc, người Mỹ đã chứng kiến những hiện tượng chưa từng có về bạo lực bầu cử. Những người đàn ông mang theo súng trường đứng cùng người biểu tình bên ngoài các địa điểm kiểm phiếu ở quận Maricopa của Arizona và Las Vegas. Tại Detroit, mọi người đập vào cửa kính trung tâm kiểm phiếu. Hai tháng sau, một đám đông hung hãn đã xông vào Điện Capitol trong nỗ lực ngăn cản Quốc hội chấp nhận kết quả thắng cử của ứng viên Tổng thống Joe Biden. Những sự cố này cùng các mối đe dọa giết người nhắm vào những người làm công tác bầu cử đã khiến khắp nước Mỹ tăng cường bảo vệ an ninh bầu cử cho đến hết ngày 5-11 và cả sau đó, nếu cần thiết.
Trong khi đó, các cơ quan thực thi pháp luật liên bang cũng đang nỗ lực thực hiện các phương án đặt ra. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh Nội địa cho rằng, những kẻ cực đoan có thể thúc đẩy hành động bạo lực mà 2 vụ ám sát hụt nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump là minh chứng. Chính phủ liên bang cũng liên tục cảnh báo các thùng bỏ phiếu có thể bị nhắm mục tiêu gây cháy nổ. Hôm 28-10, một trong những thùng phiếu đã bị phá hủy ở Portland (Oregon) vào sáng sớm. Vài giờ sau, một thùng phiếu khác bị phá hủy ở Vancouver (Washington), buộc hàng trăm lá phiếu bị hủy.
Nước Mỹ đặt mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho ngày bầu cử chính thức |
Điểm bỏ phiếu: Kính cường lực, nút báo động và an ninh vũ trang
Các văn phòng bầu cử hoặc điểm bỏ phiếu đã được tăng cường an ninh hơn so với năm 2020. Cử tri có thể nhận thấy một số biện pháp phòng ngừa nhất định, đó là camera an ninh lắp ngay cạnh thùng bỏ phiếu hay cảnh sát túc trực tại văn phòng bầu cử. Bà Kathy Boockvar - thành viên Ủy ban An toàn và an ninh bầu cử, chuyên đào tạo nhân viên văn phòng bầu cử cho biết, nhiều khu vực còn thêm nút báo động để liên lạc với cơ quan thực thi pháp luật.
Ông Josh Zygielbaum, thư ký quận tại quận Adams (Colorado) nói với PolitiFact rằng ông phải mặc áo chống đạn sau khi văn phòng của ông nhận được lời đe dọa. Trong cuộc khảo sát của Brennan hồi tháng 10-2024, hơn 1/3 số nhân viên bầu cử địa phương cho biết họ từng bị đe dọa, quấy rối hoặc lạm dụng khi làm nhiệm vụ. Tại Wisconsin, nhân viên bầu cử đã được đào tạo về các kỹ năng hạ nhiệt tình hình, trong khi các điểm bỏ phiếu được sắp xếp lại để nhân viên có đường thoát hiểm nếu bị người biểu tình đe dọa. Tuy nhiên, có những biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện mà cử tri không hề biết đến. Đó là các cuộc họp giữa cơ quan bầu cử với lực lượng thực thi pháp luật trong những tháng trước ngày bầu cử, tiến hành diễn tập thảm họa và lập kế hoạch trong trường hợp khẩn cấp.
Mối đe dọa bạo lực xung quanh cuộc bầu cử năm 2020 là lời cảnh tỉnh cho những người làm công tác bầu cử và thực thi pháp luật. Quận Pierce (Washington) là một trong nhiều văn phòng bầu cử trải dài trên một số tiểu bang đã nhận được lá thư có chứa bột trắng vào tháng 11-2023. Linda Farmer - kiểm toán viên của quận cho biết, quận này sẽ bố trí nhiều nhân viên thực thi pháp luật tại trung tâm kiểm phiếu. Do hình thức bỏ phiếu qua thư rất phổ biến ở tiểu bang Washington, quận cũng bố trí thêm người giúp bảo vệ các thùng phiếu và giám sát giao thông xung quanh. Họ đã sẵn sàng ứng phó với rắc rối tại các địa điểm bầu cử. “Chúng tôi tính đến cả thời gian giải quyết sẽ mất bao lâu nếu tin đe dọa đánh bom chỉ là hoang báo” - bà Linda Farmer cho biết.
Cảnh sát thành phố Madison (bang Wisconsin) lập trung tâm ứng phó sự cố cho ngày bầu cử |
Kiểm phiếu: An ninh chặt chẽ hơn, kết quả nhanh hơn
Chỉ những cử tri và nhân viên bầu cử mới được phép vào bên trong các phòng bỏ phiếu. Nhưng khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa để chuyển sang kiểm phiếu, công tác an ninh lại ở cấp độ khác.
Theo đó, các văn phòng bầu cử gia cố thêm vật liệu trên cửa kính để chống vỡ và thuê an ninh vũ trang tại các địa điểm kiểm phiếu. Một số nơi cũng đã bổ sung yêu cầu nhận dạng chặt chẽ hơn ở cửa ra vào. Hầu hết các tiểu bang đều có luật xác định vai trò của người quan sát và số lượng người có thể có mặt trong khu vực kiểm phiếu. Các đảng phái chính trị chỉ định những người giám sát việc bỏ phiếu và có quyền đặt câu hỏi cho nhân viên bầu cử nếu họ có thắc mắc. Đơn cử, bang Minnesota quy định, điểm kiểm phiếu không cho phép tập trung quá 50 người nhằm đảm bảo về PCCC. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Detroit vào năm 2022, điểm kiểm phiếu từ Trung tâm TCF (nơi từng bị người biểu tình đập cửa sổ vào năm 2020) đã được chuyển đến Trung tâm Hội nghị Huntington Place. Hãng Detroit Free Press đưa tin, địa điểm này có máy dò kim loại và cấm vũ khí, trong khi những người kiểm phiếu phải qua đào tạo và đeo thẻ căn cước.
Một số luật đã thay đổi để đẩy nhanh quá trình kiểm phiếu sau làn sóng thông tin sai lệch năm 2020. Ví dụ, luật của bang Michigan cho phép các thành phố có dân số ít nhất 5.000 người bắt đầu xử lý các phiếu bầu vắng mặt 8 ngày trước ngày bầu cử. Các văn phòng bầu cử đã sử dụng quỹ liên bang theo Đạo luật Giúp người Mỹ bỏ phiếu, cũng như tiền của địa phương để trả cho các cải thiện về an ninh. Được biết, Đạo luật Giúp người Mỹ bỏ phiếu đã cung cấp khoảng 1 tỷ USD tiền tài trợ an ninh kể từ năm 2018.
Nhiều điểm bỏ phiếu quy định rõ việc cấm cử tri mang theo vũ khí |
Cấm súng tại các điểm bỏ phiếu
Các điểm bỏ phiếu được Tòa án tối cao Mỹ xác định là “hòn đảo bình yên” cho cử tri. Bởi vậy, tất cả các tiểu bang đều cấm vận động tranh cử tại các điểm bỏ phiếu, có nghĩa là mọi người không được mang theo biển hiệu vận động tranh cử bên trong địa điểm bỏ phiếu. Nhưng luật cấm súng tại các điểm bỏ phiếu không đồng nhất như vậy.
Sau cuộc bầu cử năm 2020, nhiều tiểu bang đã thông qua luật hạn chế súng gần các địa điểm bỏ phiếu, nhưng nhiều tiểu bang vẫn cho phép mang súng vào một số cơ sở bầu cử nhất định. Tại Nevada, Hội đồng lập pháp do đảng Dân chủ lãnh đạo đã thông qua lệnh cấm súng gần các địa điểm bỏ phiếu, nhưng Thống đốc đảng Cộng hòa Joe Lombardo đã phủ quyết vì lo ngại về vấn đề hiến pháp. Tòa án Tối cao Mỹ đã nêu rõ rằng, các tiểu bang có thể cấm súng tại các địa điểm bầu cử. Một số tiểu bang có tỷ lệ sở hữu súng cao, chẳng hạn như Arizona, Florida, Georgia, Louisiana và Texas, từ lâu đã cấm sử dụng súng tại nơi mọi người bỏ phiếu.
Cảnh sát Mỹ cảnh giác cao độ
Các đơn vị cảnh sát trên khắp nước Mỹ đang lập kế hoạch chưa từng có cho ngày bầu cử và những tuần tiếp theo. Ông Kevin Bethel - Ủy viên Cảnh sát Philadelphia cho biết, vào ngày bầu cử, một số phiên tòa đã bị hủy bỏ để 400 cảnh sát được tung ra làm nhiệm vụ. Họ đã chuẩn bị để ứng phó với bất kỳ sự cố nào, từ các cuộc gọi lừa đảo đến xảy ra xả súng.
Tại trung tâm ứng phó sự cố Madison (thủ phủ tiểu bang Wisconsin), cảnh sát sẽ tập trung theo dõi đám đông hoặc điểm nóng. Tương tự như tại các bang chiến trường với tỷ lệ lớn cử tri còn đang dao động, thông tin sai lệch khiến lực lượng chức năng lo ngại vì mạng xã hội phát triển quá nhanh. Việc lan truyền những lời nói dối hoặc tuyên bố gây hiểu lầm sẽ có tác động tiềm ẩn, thậm chí có thể bùng phát thành bạo lực. Cảnh sát trưởng Willie Rowe của quận Wake (Bắc Carolina) nói với CNN: “Trong khi thực hiện các giao thức tiêu chuẩn, chúng tôi theo dõi chặt chẽ thông tin sai lệch, các mối đe dọa trên mạng xã hội và hoạt động tiềm ẩn biểu tình để sẵn sàng ứng phó nếu có bất kỳ mối lo ngại nào phát sinh”.
Trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, 2 ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Kamala Harris nhận được sự ủng hộ gần như tương đương tại 7 bang chiến trường, tạo nên tình thế sít sao chưa từng có trong bầu cử Mỹ. Nên tại cuộc bầu cử lịch sử lần này, công tác bảo đảm an ninh đang được thực hiện ở cấp độ cao nhất để dù ai giành chiến thắng thì cũng là chiến thắng một cách công bằng và an toàn nhất.