Chiêm ngưỡng chiếc chiêng Mường độc nhất vô nhị

ANTD.VN - Trong bảo tàng di sản văn hoá Mường hơn 6.000 hiện vật của mình, chiếc chiêng phân ngôi dát vàng được nghệ nhân Bùi Thanh Bình lưu giữ ở vị trí trang trọng, nâng niu như báu vật. Với ông, chiêng là điển hình cho văn hoá hàng nghìn năm của dân tộc Mường.
Bảo tàng di sản văn hoá Mường (phường Thái Bình, thành phố Hoà Bình) được Nghệ nhân ưu tú, Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian dân tộc Mường – Bùi Thanh Bình xây dựng từ năm 2014, quy tụ 6.000 hiện vật được ông sưu tập trong 40 năm qua
Trong đó, đáng chú ý là gian trưng bày hàng trăm chiếc chiêng Mường với nhiều kích thức, niên đại, âm vực khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình, chiêng Mường là loại hình văn hoá đặc sắc, chứa đựng những nét linh thiêng huyền diệu, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hoá rất riêng của người Mường.
Chiêng Mường là nhạc khí tự thân vang, được chế tác từ chất liệu hợp kim đồng. Chiêng Mường có hai loại là chiêng gò và chiêng đúc, mỗi loại lại có các dòng chiêng khác nhau như chiêng vảy tê, chiêng da cóc, chiêng don, chiêng chân chim, chiêng khẩm...
Nổi bật nhất trong bộ sưu tập là chiếc chiêng phân ngôi dát vàng (đường dát vàng chạy dọc chia đôi chiếc chiêng), có niên đại từ thế kỷ 13.
Theo nghệ nhân Bùi Thanh Bình, đây là chiếc chiêng cổ, độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Có khách từ Tây Nguyên ra tham quan bảo tàng sẵn sàng trả 250 triệu đồng để sở hữu nó nhưng ông không bán. Với ông, chiêng là báu vật văn hoá của gia đình, dân tộc Mường.
Du khách trải nghiệm âm vực chiếc chiêng Mường dát vàng độc nhất vô nhị
Nằm trong số những chiếc chiêng độc nhất vô nhị được sưu tập còn có chiếc chiêng hạt cường quả trám
Chiêng mặt trời với các hoạ tiết như tia nắng mặt trời toả ra xung quanh

Chiêng thạch sùng với hoạ tiết được dập nổi trên núm chiêng

Không chỉ dày công sưu tầm, nghệ nhân Bùi Thanh Bình còn là người truyền dạy, quảng bá văn hoá chiêng Mường tới du khách bốn phương
Một dàn chiêng thông thường gồm 12 chiếc, mỗi chiếc có một kích thước, âm điệu trầm bổng khác nhau, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các loại chuông tạo nên giai điệu độc đáo
Du khách tham quan được nghệ nhân Bùi Thanh Bình tận tình hướng dẫn, từ cách cầm dùi sao cho đúng
Những phụ nữ Mường trú tại xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội) vì yêu tiếng chiêng, muốn gìn giữ văn hoá cha ông mà tìm đến bảo tàng nhờ nghệ nhân Bùi Thanh Bình chỉ dạy cho cách đánh các bài chiêng dân gian, đậm bản sắc dân tộc Mường.

"Mấy tháng trước, thầy Bình có về xã truyền dạy cho đội văn nghệ chiêng Mường. Ai cũng thích thú, càng học lại càng mê nên mấy chị em tìm đến nhờ thầy chỉ dạy thêm mấy bài mới” - chị Bùi Thị Thanh Hiền (dân tộc Mường, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ. Trong ảnh: Nghệ nhân Bùi Thanh Hiền hướng dẫn cho chị Hiền cách cầm chiêng và dùi.

Với nghệ nhân Bùi Thanh Bình, âm điệu của những chiếc chiêng có sức hấp dẫn đặc biệt, là tinh hoa được bồi đắp qua hàng nghìn năm, gắn liền với vòng đời và văn hoá, tạo nên bản sắc văn hoá riêng của người Mường.

Những chiếc chiêng được ông nâng niu, gìn giữ như báu vật, cũng là phương tiện giải trí những lúc rảnh rỗi.
Ngoài gian trưng bày chiêng, Bảo tàng di sản văn hoá Mường còn trưng bày nhiều hiện vật khác
Khắc hoạ hành trình hình trình và phát triển hàng nghìn năm của người Mường tại Hoà Bình, từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng tới đồ gốm
Khu vực trưng bày hiện vật văn hoá tâm linh của người Mường
Ngôi nhà Mường nguyên bản được dựng tại trung tâm bảo tàng
Ông Bùi Thanh Bình giới thiệu với du khách mô hình nhà Mường, với cách bài trí, công năng độc đáo, phản ánh sự phát triển và văn hoá của người Mường
Những vật dụng, đồ thủ công mỹ nghệ của người Mường được trưng bày tại bảo tàng gây thích thú cho du khách tham quan