Chỉ vì ảo mộng giàu sang

ANTĐ - Đã có lúc Sáu tưởng chừng có tất cả trong tay, nhưng rồi sự thật thì đã mất tất cả, mọi sự bắt đầu từ ảo vọng giàu sang vội vã.

Nói như thế ắt hẳn có người sẽ vặn lại: “Không cô đơn thì chẳng lẽ còn muốn rủ thêm người đi tù cho vui sao?”. Nhưng điều tôi muốn nói là qua chứng kiến nhiều phiên tòa, tôi nhận thấy hầu hết các bị cáo đều có người thân, bạn bè. Dẫu có phạm tội gì với pháp luật đi chăng nữa thì ở phương diện tình cảm, các bị cáo cũng vẫn là con, là em, là cháu, là bạn của một ai đó. Và, sự có mặt của những người thân ở phiên tòa dẫu chẳng làm thay đổi được tội trạng hay mức án của các bị cáo, nhưng phần nào cũng là nguồn động viên, an ủi đối với những người đang vướng vào vòng lao lý, ít ra thì họ cũng có được cảm giác không bị bỏ rơi.

Thế nhưng, đối với bị cáo Nguyễn Thị Sáu (1972, trú tổ 9, P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) thì không có được điều ấy. Ngày 13-9-2011, Sáu bị TAND TP Đà Nẵng xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đứng trước vành móng ngựa, nhìn khắp phòng xử án, Sáu không thể tìm được một bóng dáng thân quen, dù trong phòng lúc này có hàng chục người, nhưng phần lớn đều là những chủ nợ của bị cáo, họ đến đây là để yêu cầu pháp luật buộc Sáu phải trả nợ cho họ hoặc ít ra thì cũng là để nhìn thấy bị cáo bị pháp luật trừng trị như thế nào.

Trao đổi với vị thẩm phán xét xử vụ án, người viết được biết, bị cáo Nguyễn Thị Sáu vốn cũng có chồng, con nhưng từ ngày xảy ra vụ án thì chồng bị cáo bỏ đi đâu không rõ, các con cũng đành gửi về bên nội ở tỉnh Bình Thuận thành ra trong suốt gần 1 năm bị tạm giam, Nguyễn Thị Sáu không được ai thăm nuôi và cho đến khi ra tòa bị cáo cũng hoàn toàn đơn độc. Đã có lúc Sáu tưởng chừng có tất cả trong tay, nhưng rồi sự thật thì đã mất tất cả, mọi sự bắt đầu từ ảo vọng giàu sang vội vã.

Bị cáo Nguyễn Thị Sáu và những người bị hại tại phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Thị Sáu và những người bị hại tại phiên tòa. 

Ảo vọng giàu sang

Từ những năm 2006-2008, Sáu đã mơ tưởng đến việc làm giàu bằng cách sắm ô-tô để kinh doanh vận tải hành khách. Không có tiền, nhưng bù lại Sáu có quan hệ quen biết với nhiều người nên đã đặt vấn đề vay tiền trả lãi suất cao để hiện thực hóa ước mơ. Theo điều tra của cơ quan CA thì từ tháng 10-2006 đến tháng 2-2008, Nguyễn Thị Sáu đã vay mượn của 8 người với tổng số tiền là 775 triệu đồng.

Cụ thể, vay của chị Trương Thị Thanh Thúy 55 triệu đồng; ông Trần Công Nho 144 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Ca 20 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Ngọc Anh 35 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Thảo 30 triệu đồng; chị Đỗ Thị Tuyết 260 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Bạch Đông 200 triệu đồng; chị Trương Thị Thiệt 30 triệu đồng. Đến khi không có khả năng trả nợ, thay vì tìm gặp những chủ nợ để thương thuyết, bàn biện pháp trả nợ thì Sáu lại dấn thêm một bước liều lĩnh nữa là nói dối với nhiều người là cần thêm nhiều tiền để kinh doanh và đáo nợ ngân hàng. Với tài “múa mép” của Sáu, đã có 6 người dốc hầu bao đưa tiền cho Sáu.

Thời gian đầu, Sáu vay với số tiền nhỏ và trả gốc, lãi đúng hạn tạo niềm tin cho các chủ nợ, cho đến khi sự việc đổ bể, đã có 6 người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo do Nguyễn Thị Sáu làm “đạo diễn” với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến 1.456,9 triệu đồng. Trong đó, người mất nhiều nhất là chị Nguyễn Thị Thanh Vân 510 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Kim Hoa 300 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Phương 415 triệu đồng.

Với những dự án vẽ voi, vẽ vượn như thế nhưng thực chất sau khi vay được tiền, Sáu không thực hiện các kế hoạch như đã nói mà dùng tiền vay của người này trả lãi cho người trước đó hoặc trả lãi cho chính người vừa cho vay. Chính vì tiền lãi ăn dần vào tiền vay mà  chẳng mấy chốc Sáu đã vỡ nợ, phải bỏ trốn. Một số chủ nợ sau khi biết tin này đã đến nhà của Sáu xiết nợ, họ lấy tất cả những gì có thể lấy được, từ nồi cơm điện, đầu đĩa, tủ lạnh, tháo cả bộ cửa sắt của nhà Sáu để bán đồng nát trừ nợ.

Tại phiên tòa ngày 13-9, Nguyễn Thị Sáu đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội và cho biết phần lớn số tiền vay bị cáo đã dùng để trả lãi cho các chủ nợ, thậm chí có người số lãi được trả còn nhiều hơn cả tiền gốc, nhưng bây giờ bị cáo không còn nhớ và cũng không có bằng chứng. Do khoản tiền bị cáo chiếm đoạt trong cả hai tội đều trên mức 500 triệu đồng nên HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã xét xử bị cáo theo khoản 4 điều 139 và khoản 4 điều 140 BLHS và tuyên phạt 10 năm tù về tội “Lừa đảo”, 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, hình phạt chung là 18 năm tù. Bị cáo còn phải bồi thường cho 14  người bị hại tổng cộng 2.240,9 triệu đồng.