Chương trình nghệ thuật “Là người con đất Việt 2”:

Chỉ có thể là lòng yêu nước!

ANTĐ - Khi biết tin về chương trình, “họa mi tóc nâu” Mỹ Tâm đã chủ động liên hệ xin được hát, dù chỉ là hát “lót” hay đứng ké trên sân khấu. Đó là chia sẻ của nhạc sĩ Lương Minh - Tổng đạo diễn chương trình “Là người con đất Việt 2” diễn ra vào tối 15-6 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.  
Chỉ có thể là lòng yêu nước! ảnh 1


- PV: Không phải một chương trình ca nhạc với mục đích từ thiện thuần túy, vậy xin nhạc sĩ chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của chương trình “Là người con đất Việt 2”?

- Nhạc sĩ Lương Minh: Nói vậy là bởi các nghệ sĩ tham gia trong chương trình đều không có quyền lợi, không nhận cát-sê, không phân biệt ai hơn ai mà chỉ hướng đến một điều chung duy nhất, đó là cùng góp tiếng hát, tiếng lòng của giới nghệ sĩ cả nước hướng về Tổ quốc, về biển đảo quê hương. Điều quan trọng nữa là toàn bộ số tiền bán vé và quyên góp sẽ được gửi đến ủng hộ lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các ngư dân đang sinh sống ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Hơn nữa, đây cũng không phải một chương trình ca nhạc đơn thuần mà sẽ đúng nghĩa là một đại nhạc hội bởi giá trị nghệ thuật đỉnh cao và sự hoành tráng. 

- Nghe nói nhiều nghệ sĩ ở trong và ngoài nước khi hay tin về chương trình đã chủ động đề nghị được tham gia?

- Đúng thế. Nhiều người không ngần ngại chuyện mình là “ngôi sao” nên phải được mời trước mà trái lại còn chủ động liên hệ với tôi để đề nghị được góp mặt trong chương trình. Như ca sĩ Mỹ Tâm, tôi rất xúc động khi nhận được cuộc điện thoại của cô ấy vào lúc giữa đêm khuya chỉ để đề nghị rằng: “Em không cần được hát lĩnh xướng hay đơn ca gì cả, chỉ cần được đứng hát chung với mọi người, được góp tiếng hát vì biển đảo, vì đồng bào, vì Tổ quốc là vui rồi. Hay chỉ cần được đứng ké trên sân khấu cũng được”. Hay như ca sĩ Hồng Ngọc dù đang sinh sống ở nước ngoài nhưng cũng chủ động liên hệ với Ban tổ chức để xin “thế chân” ca sĩ Phương Thanh khi biết người bạn của mình vì bận lịch công tác ở nước ngoài không về kịp. Còn Phương Thanh sau đó cũng đã tìm cách thu xếp công việc để có thể góp mặt trong chương trình. Có rất nhiều nghệ sĩ, khi biết tin về chương trình đã chủ động liên lạc với mong muốn được tham gia cất tiếng hát hướng về biển đảo quê hương. Tấm lòng của họ đã giúp chúng tôi có thêm rất nhiều động lực và sức mạnh để thực hiện chương trình.

Ca sĩ Mỹ Tâm mong được góp mặt trong chương trình, dù chỉ là đứng ké trên sân khấu

- Nhạc sĩ có thể chia sẻ thêm về ý tưởng dàn dựng chương trình đặc biệt này?

- Đây là một chương trình có ý nghĩa rất đặc biệt, và nó cũng sẽ đặc biệt cả về mặt chất lượng nghệ thuật nữa. Khi bắt tay vào dàn dựng chương trình này, điều tôi mong muốn là làm sao để có thể đánh thức được tình yêu và trách nhiệm công dân của mỗi người đối với quê hương đất nước. Trong âm nhạc thì lời ca tiếng hát cũng chính là sức mạnh, là “vũ khí” của những người làm nghệ thuật. Vì thế trong gần 3 tiếng đồng hồ diễn ra chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức những sáng tác hay nhất ngợi ca quê hương đất nước, biển đảo Việt Nam của nhiều thế hệ nhạc sĩ. Trong đó có những bài hát rất mới mang hơi thở thời đại của những người trẻ như: Mai Khôi, Anh Khang, Lê Minh Sơn. 

Khán giả cũng sẽ lần đầu tiên thấy Mỹ Tâm hòa giọng với ba nữ “diva” làng nhạc Việt là Thanh Lam, Hồng Nhung và Mỹ Linh trong một sáng tác viết về biển của nhạc sĩ Hồng Đăng. Hay như việc ca sĩ Mỹ Lệ chính là con gái của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương sẽ thể hiện ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” do chính cha mình sáng tác trong đêm diễn. 

Sức nóng của Biển Đông đã thổi vào đời sống âm nhạc, khi một lần nữa những ca khúc hát về biển từ hai thế hệ “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song và “Biển của ta” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn sẽ vươn theo sóng ra tới Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi nghĩ tất cả sẽ làm nên một dòng chảy âm nhạc qua nhiều thế hệ người nghe, người viết khác nhau. 

- Nhạc sĩ từng chia sẻ ý tưởng về một cái kết rất lặng, rất đẹp của chương trình. Ý tưởng đó là gì vậy thưa ông?

- Đó là sự hòa giọng của gần 60 nghệ sĩ trong ca khúc “Tự nguyện” cùng tất cả khán giả có mặt trong khán phòng. Tôi nghĩ đó là nốt lặng nhưng cũng chính là nốt thăng làm nên dấu ấn của chương trình. Bởi chẳng có gì đẹp hơn sự đồng lòng của nghệ sĩ và khán giả khi cùng nhau cất cao tiếng hát tự nguyện hướng về quê hương đất nước mình, biển đảo của Tổ quốc. Đó sẽ là cái kết xúc động và đẹp đẽ nhất. 

- Từng dàn dựng không ít chương trình nghệ thuật và sân chơi âm nhạc, cảm xúc của nhạc sĩ trong vai trò tổng đạo diễn chương trình lần này có gì khác không? 

- Đó là một cảm xúc rất khác, rất đặc biệt. Phải nói rằng chưa bao giờ trong cuộc đời làm nhạc của mình, tôi thấy lời hiệu triệu các nghệ sĩ tài danh nước mình lại dễ dàng và xúc động đến thế. Đó chỉ có thể là lòng yêu nước của mỗi người con đất Việt.

-  Xin cảm ơn nhạc sĩ!