Chênh vênh qua cầu khỉ

ANTĐ - Hàng ngày rất nhiều người dân, học sinh ở xóm Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) phải đi qua trên chiếc cầu tre bắc chênh vênh qua con sông Nhùng hết sức nguy hiểm. Cách đây khoảng gần một tháng, một em học sinh lớp 5 đã rơi từ trên chiếc cầu này xuống sông chết đuối.

Việc đi lại của người dân xóm Phước hết sức khó khăn


Xóm Phước có khoảng 400 hộ dân nằm giữa 2 nhánh của con sông Nhùng, cách QL 1A chừng vài trăm mét. Sau giải phóng, nhiều hộ dân chuyển ra gần đường QL 1A sinh sống, vì thế xóm Phước được chia ra thành hai nơi, cách nhau bởi một nhánh của sông Nhùng. Do địa thế khó khăn như thế nên mỗi khi muốn ra bên ngoài, hay bà con họ hàng thăm nhau người dân phải đi bằng đò.

Trước năm 1995, xóm Phước hầu như bị biệt lập với bên ngoài do không có cầu bắc qua sông, việc đi lại của bà con hầu như chỉ nhờ vào những chiếc đò ngang hết sức nguy hiểm. Trước thực tế đó, năm 1995, một chiếc cầu đã được xây dựng để giúp việc đi lại của người dân bớt phần nào khó khăn, nguy hiểm. Cây cầu này được xây dựng tại một điểm giáp ranh với thị trấn Hải Lăng, nên mỗi khi muốn đi ra ngoài người dân phải đi vòng xa hơn khoảng vài km. Để phục vụ việc đi lại trong lúc cấp bách và nhanh hơn, người dân xóm Phước đã góp tre, cột gỗ, cây cau làm chiếc cầu khỉ để đi lại thuận tiện hơn.

Chiếc cầu tre cheo leo này được bắc qua quãng sông rộng chừng 30 mét, mực nước khá sâu. Chiếc cầu tạm bợ này từ khi được làm đã phục vụ việc đi lại thường xuyên của người dân cũng như việc vận chuyển lúa, nông sản trong mùa vụ và cũng là đường đi học của rất nhiều em học sinh. Bà Lê Thị Gái, 56 tuổi, người thường xuyên qua lại trên chiếc cầu này lo lắng cho biết: “Ai cũng lo lắng khi phải đi qua cây cầu này, nhất là vào đêm tối nhưng cũng đành phải đi. Người lớn còn đỡ lo chứ mỗi lần tụi nhỏ đi thì lo lắm, phải có người lớn dẫn đi kèm”.

Theo nhiều người dân xóm Phước thì, cứ mỗi khi đến mùa mưa lũ thì cầu liên tục bị cuốn trôi, bình quân mỗi năm cầu bị trôi đến 2, 3 lần và sau mỗi lần như vậy người dân lại cùng nhau góp vật liệu để làm cầu mới. Đã có rất nhiều vụ trượt chân rơi xuống sông, trong đó đa số là các cháu nhỏ.

“Ít nhất đã có 3 vụ chết đuối tại cây cầu này, mới đây nhất là cháu Phạm Văn Quân (con trai anh Phạm Văn Thắng), học sinh lớp 5 đã bị trượt chân té xuống sông chết đuối. Quả thật chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ cứ mỗi lần nhìn các cháu học sinh nín thở vịn tay qua cầu, thậm chí có lúc vác cả xe đạp đi qua cầu, nhất là vào mùa mưa bão, nước chảy xiết. Chúng tôi phải luôn canh chừng và phải dẫn các chau đi chứ không dám để các cháu đi một mình”, ông Hoàng Viết Lệ, 60 tuổi, người dân xóm Phước cho hay.

Anh Nguyễn Bá Đặng, cán bộ phụ trách giao thông thuỷ lợi xã Hải Lâm cho biết: đã khuyến cáo người dân hạn chế đi qua chiếc cầu này nếu không có việc gấp để tránh nguy hiểm, nhưng do nhu cầu đi lại của người dân là hết sức bức thiết, với lại quãng đường đi ngắn, đất canh tác, việc làm ăn cũng như quan hệ họ hàng của người dân hai bên lại khăng khít từ lâu đời nên chuyện khuyến cáo việc hạn chế đi lại của người dân hai bên là rất khó.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Trà, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm, xác nhận: “Chúng tôi cũng biết và hiểu việc đi lại của người dân xóm Phước khi qua cây cầu này là hết sức khó khăn và nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em và người già yếu nhưng cũng đành bất lực bởi vì kinh phí của địa phương còn hạn hẹp nên việc xây một chiếc cầu chắc chắn là vượt quá tầm với của chúng tôi. Vì vậy hơn bao giờ hết địa phương chúng tôi thiết tha mong cấp trên sớm quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ xây dựng một chiếc cầu chắc chắn, an toàn hơn để người dân không phải nơm nớp lo âu trong việc đi lại của mình”.