“Chạy trường” mất tiền oan

ANTĐ - Trong những năm qua, các lực lượng CATP Hà Nội đã điều tra khám phá, bóc gỡ nhiều đường dây “chạy trường”, hàng chục đối tượng liên quan đã bị khởi tố trước pháp luật, nhưng không hiểu vì sao, nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin vẫn nghe lời “dụ dỗ” ngon ngọt của các đối tượng lừa đảo. 

“Chạy trường” mất tiền oan  ảnh 1
Đối tượng lừa đảo trong việc “chạy trường” bị cơ quan công an bắt giữ.

Những thủ đoạn tinh vi

Đầu tháng 11-2010, đang học bài trên lớp, Nguyễn Văn T (SN 1992), trú tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - sinh viên khoa CNTT, trường Đại học N trên địa bàn Hà Nội được thầy giáo trưởng khoa gọi lên cho biết, nhà trường đã ra quyết định đình chỉ tạm thời việc học tập đối với T, đồng thời yêu cầu T phối hợp cùng với cơ quan chức năng để làm việc. Theo lãnh đạo trường này cho biết, quá trình kiểm tra các hồ sơ được xét tuyển vào nguyện vọng 2 của năm 2010, nhà trường đã phát hiện giấy báo điểm của T có dấu hiệu làm giả. 

Nhận được thông tin này, không riêng gì T mà cả gia đình T đều hết sức hoang mang, lo lắng không hiểu sự việc như thế nào. Sau gần 1 tháng chờ đợi, gia đình T được trường Đại học N và các cơ quan chức năng cho biết, giấy báo điểm thi đại học của T là giả. Được biết, trong quá trình dự thi vào trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội (kỳ thi năm 2010-2011), T đã không đủ điểm sàn để xét tuyển vào nguyện vọng 2.

Qua mối quan hệ xã hội, một người bạn của T cho biết có quen với một số người có thể “chạy” cho T vào nguyện vọng 2 của trường Đại học N. Sau khi gặp gia đình T, những người này cho biết, họ có nhiều mối quan hệ trên Bộ Giao dục - Đào tạo và hứa sẽ “chạy” cho T; nếu không được sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền chi phí. Tin lời, gia đình T đã đưa cho số đối tượng này 100 triệu đồng và toàn bộ thủ tục hồ sơ trong đó có giấy báo điểm của T ở trường Đại học KHXH&NV. Đến cuối tháng 9-2010, Nguyễn Văn T có giấy báo nhập học vào khoa CNTT của trường Đại học N. 

Theo cơ quan điều tra, do số điểm thi của T không đủ để xét tuyển vào nguyện vọng 2 trường này nên các đối tượng “chạy trường” đã làm giả giấy báo điểm Học viện Cảnh sát nhân dân cho T nhằm tránh sự nghi ngờ, kiểm tra của nhà trường. Nhưng thủ đoạn gian dối tinh vi của các đối tượng này đã bị các lực lượng chức năng phát hiện. Ngoài việc T bị buộc thôi học, gia đình học sinh này còn mất trắng 100 triệu đồng. Còn các đối tượng lừa đảo thì đã cao chạy xa bay. 

Cao thủ hơn, để đưa các “con mồi” vào tròng, Mai Văn Tĩnh (SN 1983) - Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Pơmu, rượu Sán Lùng có địa chỉ tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội đã quảng cáo có mối quan hệ “đặc biệt” với các vị lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo, Cục Hàng không Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Quân sự, trường Trung cấp Quân y 103… Đối tượng này khẳng định sẽ “chạy” cho bất cứ những ai có nhu cầu vào các trường nói trên. Tin lời Tĩnh, hàng chục nạn nhân của nhiều tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung đã đến nhờ vị giám đốc này “chạy trường” cho con cháu. Sau khi chiếm đoạt của các bị hại gần 1 tỷ đồng, Tĩnh đã bỏ trốn. 

Cần đề cao cảnh giác

Một số tang vật - giấy báo điểm thi đại học giả bị cơ quan công an thu giữ.

Gần đây, vào đầu tháng 8-2011, Cơ quan An ninh điều tra - CATP Hà Nội đã bóc gỡ ổ nhóm chuyên “chạy trường” do đối tượng Nguyễn Thế Hùng (SN 1977), trú tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cầm đầu. Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 9 đến cuối 10-2010, Hùng và đồng bọn đã làm giả giấy báo điểm cho 35 thi sinh xin xét tuyển vào nguyện vọng 2 và 3 của trường Đại học Thành Tây để thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Thượng tá Trần Quốc Khánh, Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Phó Trưởng phòng An ninh điều tra CATP Hà Nội - đơn vị đã điều tra làm rõ nhiều vụ án “chạy trường” cho biết, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân, các đối tượng lừa đảo đã tự nhận mình có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo cao cấp của các bộ, ngành có thể “can thiệp” trong lĩnh vực này. Nhưng thực chất, sau khi nhận tiền và hồ sơ của các bị hại, những đối tượng lừa đảo nói trên đã dùng máy in màu, máy scan… chỉnh sửa số điểm trong giấy báo điểm của các thí sinh cho phù hợp với nguyện vọng 2 và 3 của các trường rồi nộp hồ sơ xin xét tuyển theo quy định thông thường.

Thậm chí, để “che mắt” các lực lượng chức năng, các đối tượng lừa đảo đã làm giả giấy báo điểm của các trường công an và quân đội như Học viện CSND, Học viện ANND, Học viện Kỹ thuật quân sự (những trường này không báo điểm thi đại học công khai)… Sau khi làm thủ tục đầu vào trót lọt, các đối tượng lấy tiền rồi “biến mất” để cho các bị hại phải gánh chịu hậu quả ngay sau đó. 

Cũng theo Thượng tá Trần Quốc Khánh, 100% các vụ việc gian lận thi cử trong đó có việc “chạy trường” đều bị các cơ quan chức năng phát giác và xử lý nghiêm theo pháp luật. Vì vậy, người dân nên hết sức cảnh giác với loại tội phạm này.