"Cháy" hết mình với ngọn lửa đam mê

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Áp lực. Nguy hiểm. Nghề báo là vậy! Nhưng đã chọn nghề, quyết tâm theo đuổi, các nhà báo nữ vẫn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” và “cháy” hết mình với đam mê!
Nhà báo Khánh Huyền

Nhà báo Khánh Huyền

Nhà báo Thúy Hiền (Báo Văn hóa): Nếu chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo

“Tôi bắt đầu vào làm việc tại Báo Văn hóa từ năm 1995, đến nay đã 29 năm. Mảng tôi theo dõi là lĩnh vực sân khấu, gia đình, quản lý văn hóa… Nghề báo đã vất vả nhưng đối với phụ nữ, nhất là khi có gia đình, con cái thì còn vất vả hơn rất nhiều vì vừa phải hoàn thành công việc ở cơ quan, lại phải hoàn thành thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình. Với lĩnh vực mình theo dõi, ngoài ban ngày làm việc tại cơ quan thì buổi tối, nhiều khi tôi cũng phải đi xem các buổi biểu diễn, các chương trình văn hóa. Mọi người xem xong là về, còn chúng tôi ở lại phỏng vấn, hoàn thành bài viết, nên 11-12h đêm mới ra về là chuyện bình thường. Buổi đêm, khi con đi ngủ thì mình lại lôi máy tính ra lạch cạch viết bài. Nhưng vì niềm đam mê, tôi đã gắn bó 26 năm và nếu chọn lại, tôi vẫn chọn làm báo. Có những lần tôi đi xem vở diễn ở các tỉnh như Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam thì 1-2h đêm mới về đến nhà, nhiều hôm gặp mưa, về đến nhà ướt hết. Tôi nhớ mãi một lần đi dự liên hoan sân khấu ở Thái Bình. Khi về tôi đi nhờ xe và được thả ở đường Giải Phóng. Lúc đó đã là 2h đêm. Tôi lên một xe taxi, đi được một đoạn mới biết lái xe không tính cước theo đồng hồ mà tính cước gấp 3 lần bình thường. Tôi xuống xe, một anh “xe ôm” đến bảo tôi lên xe. Lúc đó, tôi tay xách nách mang máy ảnh, máy tính… nên cũng có chút lo lắng nếu gặp phải đối tượng xấu, nhưng không thể không đi. Tôi lén chụp ảnh biển số xe và gửi cho con gái. Sau đó lên xe tôi cũng nói chuyện là phóng viên, đi tác nghiệp về muộn. May mắn là cuối cùng anh “xe ôm” chở tôi về nhà an toàn”.

Biên tập viên Mai Liên (Đài Truyền hình Thái Bình): Nghề báo là niềm đam mê

“Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2005, tôi về công tác tại Ban Thời sự, Đài Truyền hình Thái Bình. Vì là Ban Thời sự nên chúng tôi luôn phải phản ánh kịp thời, nhanh nhất mọi diễn biến của đời sống xã hội. Khi mưa bão, mọi người ở trong nhà thì chúng tôi ra đường. Ngày lễ Tết, mọi người được nghỉ nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc. Việc đi sớm về khuya đối với chúng tôi trở thành chuyện bình thường.

Đối với tôi, nghề báo không phải để kiếm được nhiều tiền hay là để thăng tiến mà đó là niềm đam mê. Với niềm đam mê nghề nghiệp thì mọi khó khăn, thử thách đều vượt qua hết. Bên cạnh đó thì công sức bỏ ra được đền đáp bằng các giải thưởng như Huy chương Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc; giải Khuyến khích tác phẩm phát thanh “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” cũng là một nguồn động viên lớn đối với tôi.

Tôi nhớ mãi khi làm chương trình phản ánh về những người cứu hộ trên sông, trên biển. Khi có những vụ người dân nhảy cầu hay phát hiện thi thể dạt vào bờ biển thì chúng tôi phải lên đường ngay để tiếp cận hiện trường. Đối với phụ nữ, những hình ảnh thi thể được vớt lên khiến tôi sợ hãi, ám ảnh. Song vì công việc, chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhất. Tôi nghĩ dấn thân với nghề thì mới có những tác phẩm nhiều cảm xúc và chất lượng. Dù là phụ nữ nhưng khi có thông tin “nóng” là tôi lập tức lên đường. Khi “đứa con tinh thần” lên sóng cảm thấy rất tự hào - đó là niềm vui mà tôi nghĩ không phải nghề nào cũng có được”.

Nhà báo Tố Loan (Báo Nông thôn Ngày nay): Tận tâm, tử tế với nghề sẽ có nhiều niềm vui

“Tốt nghiệp khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi về công tác tại Báo Nông thôn Ngày nay. Đến nay, sau 20 năm trong nghề, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng: Bất cứ nghề nào, dù nam hay nữ, miễn là tận tâm, tử tế với nghề, chắc chắn nghề sẽ đem lại nhiều niềm vui, cảm xúc, nhiều trải nghiệm và bài học ý nghĩa. Thực tế cho thấy hiện nay, tại các cơ quan báo chí, phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ và cũng làm tốt không kém gì nam giới.

Tôi nhớ mãi lần về Hưng Yên viết về mô hình dân quân tự quản, giữ gìn an ninh, trật tự làng xóm cách đây 17 năm. Khi đó, chúng tôi hồn nhiên đi xe máy vào làng mà không biết bị “theo dõi”. Cứ thế chúng tôi lang thang khắp ngõ ngách để tìm nhà bác Tổ trưởng Tổ an ninh để phỏng vấn. Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi vừa vào đến sân nhà bác Tổ trưởng cũng là lúc 2 xe máy lạ áp sát 2 bên, yêu cầu chúng tôi dừng xe và hỏi: “Các cô là ai, vào đây có việc gì?”. Nhìn gương mặt nghiêm trọng của những người đàn ông đang “tra hỏi” mình, tôi hơi run. Sau lúc trấn tĩnh, tôi cũng nói rõ mục đích đến viết bài. Đến lúc này, tôi mới biết họ chính là những thành viên của Tổ tự quản đã lặng lẽ bám theo từ đầu làng, quan sát mọi nhất cử nhất động của chúng tôi. Sau khi nghe chúng tôi trình bày và xuất trình giấy tờ, mọi người còn vui vẻ tiếp chuyện và mời chúng tôi ở lại dùng cơm. Sau khi bài báo lên trang, họ còn gọi điện cảm ơn”.