Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Tôi hiểu nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tối ngày 21/6 tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 97 năm Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 16-năm 2021. Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tham dự lễ trao giải còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ và các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải thưởng Giải báo chí quốc gia 2021.

Giải báo chí Quốc gia hàng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hàng năm.

Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid – 19 tác động không nhỏ đến quá trình tác nghiệp báo chí, nhưng số lượng tác phẩm gửi về dự giải năm nay là 1.911 tác phẩm, ở mức cao thứ hai trong các mùa Giải báo chí Quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao Giải Báo chí quốc gia Lần thứ XVI năm 2021, kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao Giải Báo chí quốc gia Lần thứ XVI năm 2021, kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Trong số 152 tác phẩm vào Chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được: 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích để trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVI – năm 2021.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, chất lượng tác phẩm năm nay khá đồng đều, khoảng cách giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp ở nhiều nhóm thể loại. Bên cạnh các Liên chi hội, cấp Hội lớn vẫn duy trì được chất lượng tác phẩm dự Giải tốt, nhiều Hội Nhà báo tỉnh cho thấy sự đầu tư trong công tác tuyển chọn, nâng cao chất lượng tác phẩm dự giải.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã ôn lại chặng đường 97 năm qua của báo chí cách mạng Việt Nam và những người làm báo có thể tự hào về truyền thống nổi bật mà báo chí cách mạng đã dày công vun đắp, tạo dựng.

Tiếp nối truyền thống 97 năm phát triển của báo chí cách mạng, báo chí nước nhà đang bước những bước tiến đột phá trên con đường cách mạng “chuyển đổi số”, cuộc cách mạng này có thể thay đổi diện mạo báo chí nước nhà, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.

Mục tiêu cơ bản của chiến lược là phát triển hệ thống báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả.

"Vì vậy, hơn lúc nào hết những người làm báo, người đứng đầu cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các cấp cần phát huy những truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là truyền thống vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc. Đó là truyền thống luôn có mặt ở những mặt trận “tuyến lửa”, nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đó là truyền thống luôn luôn sáng tạo, tự đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế. Với đội ngũ người làm báo hơn 22 nghìn hội viên, đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, chúng ta tự hào đã có một nền báo chí phát triển, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm 2021

Các đại biểu tham dự Lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm 2021

Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giải thưởng hôm nay để tri ân, cảm ơn những người làm báo đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực, thành công của đất nước trong năm 2021 rất đặc biệt, một năm chúng ta đã trải qua những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh. Báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về "Chiến lược vaccine", "Chương trình phòng, chống dịch Covid-19" để Việt Nam đã trở thành một trong số ít nước dẫn đầu về tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Báo chí cũng đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch; chia sẻ với những vất vả, khó khăn; động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu, nhất là bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an và cả những cá nhân tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch.

Đồng thời, Giải thưởng hôm nay được dành để tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo. Đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy… Những giá trị đó đã kết tinh trong các tác phẩm báo chí để góp phần thực hiện các chủ trương đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước, sự đồng hành của nhân dân, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

"Tôi hiểu nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả, một nghề có thể đúng với câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai". Để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, kịp thời về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là các phóng sự điều tra thực trạng cuộc sống, nhiều phóng viên, nhà báo đã phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa, đi vào giữa tâm dịch, tâm bão, thiên tai địch họa… và có người đã không bao giờ trở về. Đối với các nhà báo nữ còn vất vả hơn vì nhiều lúc phải làm ngoài giờ, thực hiện những chuyến đi công tác dài ngày, trong khi vẫn phải lo toan công việc gia đình và phận sự của một người phụ nữ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, giải thưởng hôm nay để tôn vinh những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, bền bỉ của người làm báo, đã tích cực đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, nhất là việc tuyên truyền, thúc đẩy thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Nhiều tác phẩm năm nay đã góp phần truyền tải những chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh…

Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước; phát hiện, phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công…; quảng bá những mô hình kinh doanh, sản xuất sáng tạo, hiệu quả; tôn vinh, lan tỏa những hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương nhân ái trong phòng, chống dịch và trong khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội…

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích cho các tác giả và tập thể các nhà báo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả

Trong đó, 10 giải A được trao lần này gồm:

1. Thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in): Loạt 4 bài “Gây dựng "sếu đầu đàn" cho nền kinh tế” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Việt Hải, Tấn Nguyên – Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.

2. Giải Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in): Loạt 5 bài “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng – gốc có vững cây mới bền” của nhóm tác giả: Nguyễn Dũng, Bùi Văn Kiên, Nguyễn Thành, Nguyễn Tuấn – Chi hội nhà báo Báo Tiền Phong

3. Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in): Loạt 5 bài “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc "ma mị" giữa Thủ đô” của nhóm tác giả Trần Thanh Bình, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Hoàng Chiến, Nguyễn Công Khanh, Đào Xuân Ngọc – Chi hội nhà báo Báo Đại Đoàn Kết.

4. Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh): Tác phẩm “Những ngày không quên!” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Bùi Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Minh Hạnh – Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

5. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh): Loạt 4 bài: “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?” của nhóm tác giả Trang Công Tiến, Phạm Trung Tuyến, Nguyễn Hữu Thịnh, Chu Trung Đức, Nguyễn Hải Bằng – Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

6. Giải Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình): Tác phẩm “HTV Từ tâm dịch” của nhóm tác giả Lương Vũ Phong, Trường Giang, Minh Tấn, Nguyễn Trường – Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình): Tác phẩm “Nơi kết thúc là nơi bắt đầu” của nhóm tác giả Chí Thông, Tấn Tài, Trường Giang, Bích Phương, Ngọc Quí – Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Giải Phim tài liệu truyền hình: Tác phẩm “Ranh giới” của nhóm tác giả Tạ Quỳnh Tư, Kiều Viết Phong – Liên chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

9. Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử): Loạt 05 bài: “Giải phóng" đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần "cuộc cách mạng" quyết liệt hơn của nhóm tác giả Võ Hoàng Long, Hoàng Thị Phương Trang, Võ Mạnh Hùng, Vũ Thị Bích Hằng, Phạm Thanh Trà – Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

10.Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử): Loạt 5 kỳ “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng” của tác giả Đỗ Doãn Hoàng (Lãng Quân) – Chi hội nhà báo Báo Nông thôn ngày nay.