Châu Âu trở thành thị trường xe tăng lớn nhất thế giới

ANTD.VN - Tổng số đơn đặt hàng xe tăng dành cho các quốc gia châu Âu đã là hơn 1.800 chiếc và dự kiến ​​sẽ còn nhiều hơn nữa.

Cuộc xung đột Ukraine khiến nhu cầu đối với xe tăng trở nên lớn bất thường và châu Âu đã trở thành thị trường lớn nhất thế giới của phương tiện tác chiến tưởng như đã mất chỗ đứng trong tác chiến hiện đại này.

Ba Lan chiếm vị trí số một, Warsaw đã công bố bản kế hoạch đầy tham vọng để đưa một lượng xe tăng khổng lồ vào hoạt động trong quân đội của mình, dường như họ đã tính toán theo những dự báo bi quan nhất từ thời Chiến tranh Lạnh.

Chúng ta đang nói về đơn đặt hàng 250 xe tăng M1A2 Abrams SEPv3 và 116 chiếc khác trong phiên bản M1A1 FEP. Bên cạnh đó là 180 chiếc K2 của Hàn Quốc và 820 xe khác thuộc phiên bản K2PL bản địa hóa.

Sau khi hoàn thành hợp đồng, Quân đội Ba Lan có thể nâng tổng số xe tăng của họ lên 1.366 chiếc, cùng với khoảng 240 xe Leopard 2 ở các phiên bản khác nhau, sẽ tạo thành một "nắm đấm thép" với hơn 1.600 chiếc MBT các loại.

Đặt cạnh Ba Lan, kế hoạch của các quốc gia khác hơi mờ nhạt, nhưng nhìn chung chúng cũng cho thấy một xu hướng. Ví dụ, Ý đang xem xét mua xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7+.

Tham mưu trưởng Quân đội Ý - ông Pietro Serino nhận thấy sự cần thiết của việc đưa vào trang bị 125 chiếc MBT loại này. Thậm chí trong tương lai, Rome có thể mua 250 tới chiếc Leopard 2A7+.

Nhiều khả năng trong kịch bản đầu tiên, các phương tiện mới chỉ đóng vai trò bổ sung và Quân đội Ý vẫn duy trì hoạt động của xe tăng C1 Ariete nội địa. Trong kịch bản còn lại, Leopard 2A7+ sẽ đơn giản là thay thế nó.

Tiếp theo, chúng ta nên đề cập đến một nhà khai thác Leopard 2A7 tương lai khác đó là Na Uy, quốc gia Bắc Âu này đã đặt hàng 54 chiếc với tùy chọn mở rộng số lượng lên 72.

Bên cạnh đó còn có cả Cộng hòa Séc, Prague muốn đặt hàng thêm 50 xe tăng Leopard 2A7/2A7+, ngoài 14 chiếc Leopard 2A4 nhận được nhằm thay thế những chiếc T-72 đã giao cho Ukraine.

Trong khi đó Romania đã không đưa ra lựa chọn có lợi cho xe tăng Đức khi đặt mua 54 chiếc Abrams. Litva sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn, họ đã tuyên bố ý định mua 54 MBT mới nhưng chưa biết chọn dòng chiến xa nào.

Nói chung nếu chúng ta chỉ nói về các phương tiện mới mà không tính đến việc hiện đại hóa số chiến xa hiện có, thì tổng nhu cầu sẽ nằm trong khoảng 337 - 474 xe tăng mới được Litva, Romania, Na Uy và Ý dự định mua.

Tuy nhiên rõ ràng cần phải bổ sung các chương trình quy mô lớn nhằm hiện đại hóa số phương tiện hiện có vào quá trình này, ví dụ Hy Lạp có kế hoạch nâng cấp 183 chiếc Leopard 2A4 lên phiên bản 2A7.

Đồng thời các quá trình hơi khác nhau đang diễn ra ở những quốc gia cách xa Liên bang Nga. Ví dụ, Anh đang hiện đại hóa lực lượng thiết giáp của mình, nhưng London lại giảm tổng số phương tiện xuống còn 148 chiếc Challenger 3.

Một chương trình hiện đại hóa nhưng cũng giảm số lượng cũng đang diễn ra ở Pháp với xe tăng Leclerc. Nhưng điều này khó có thể tác động đến xu hướng chung đang diễn ra ở châu Âu.

Hơn nữa, một số quốc gia châu Âu rất có thể sẽ đặt hàng thêm nhiều xe tăng trong những năm tới. Hoàn toàn có thể mong đợi quyết định này từ các quốc gia Baltic, Bulgaria hay Slovakia.

Bên cạnh đó, cũng có thể mong đợi quyết định hiện đại hóa các xe tăng Leopard 2 của Phần Lan và Thụy Điển. Đó là xác suất cao và những đơn đặt hàng hiện tại chỉ là bước khởi đầu.