Châu Âu sai lầm lớn khi tin tưởng Mỹ sẽ đảm bảo an ninh năng lượng

ANTD.VN - Các quốc gia châu Âu có thể phải quay trở lại sử dụng khí đốt Nga sau khi Mỹ cho thấy họ không thể đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài.

Liên minh châu Âu từng muốn dùng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ để thay thế khí đốt cung cấp đường ống từ Nga để đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng điều này rõ ràng không phải lựa chọn tốt.

Thay vì loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga để sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đạt được mức phát thải carbon bằng không như dự định, châu Âu đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào LNG từ Mỹ.

Mặc dù vậy, điều này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, thâm chí còn cao hơn cả khi sử dụng khí đốt đường ống của Nga, hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa ra nhận xét nói trên.

Châu Âu từng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt Nga, nhưng đáng ngạc nhiên là họ gần như đã thoát khỏi tình trạng này trong vòng chưa đầy hai năm, nguồn thay thế ưa thích của EU là LNG do Mỹ cung cấp.

LNG Mỹ được coi là nguồn cung dồi dào, an toàn về mặt chính trị và ít có khả năng bị gián đoạn hơn so với các đường ống dẫn từ Siberia của Nga. Nhưng mọi thứ lại không như dự tính của EU khi việc nhập khẩu LNG đang ngày càng trở nên rủi ro hơn.

Hôm 26/1/2024, Nhà Trắng đã công bố quyết định gây tranh cãi về việc tạm đình chỉ giấy phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng mới, khi gặp phải phản ứng dữ dội từ các cử tri thuộc phong trào chống biến đổi khí hậu.

Việc làm trên sẽ không ảnh hưởng đến các nhà máy đang hoạt động, nhưng có nguy cơ trì hoãn, hoặc thậm chí phá hủy nhiều dự án quy mô lớn mà theo kế hoạch ​​sẽ tung sản phẩm ra thị trường vào cuối thập kỷ này.

Như vậy hóa ra một nhà cung cấp "an toàn về chính trị", từng được coi là đáng tin cậy đối với các quốc gia châu Âu cũng có thể làm điều tương tự như cách Nga ưa thích, đó là đình chỉ xuất khẩu khí đốt.

Tuy nhiên EU không còn khả năng chịu đựng "đòn tấn công" như vậy, khi nền kinh tế bấp bênh của khối thậm chí còn chưa phục hồi sau khi “đoạn tuyệt” khí đốt Nga, bước đi của Mỹ nguy cơ làm sụp đổ toàn bộ nền công nghiệp châu Âu.

Bất chấp sự thật đơn giản này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gửi đi thông điệp tồi tệ nhất tới các đối tác và đồng minh ở châu Âu, đó là không thể tin cậy vào Washington. Với thực tế trên, tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ nay trở đi, an ninh năng lượng châu Âu sẽ phụ thuộc vào những yếu tố không thể kiểm soát được, ngay cả khi đó là đối tác từng rất được tin tưởng như Washington.

Giải pháp mà Liên minh châu Âu đưa ra bao gồm nhiều kịch bản khác nhau, trong đó bao gồm cả viễn cảnh “tồi tệ nhất” đó là phải nhập khẩu trở lại khí đốt Nga, bất chấp căng thẳng đôi bên ngày càng gia tăng.

Bước đi khả thi nhất mà EU nên thực hiện đó là đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu kép đảm bảo an ninh năng lượng cũng như chống biến đổi khí hậu.

Nhưng đây là bản kế hoạch lâu dài, còn trước mắt châu Âu sẽ phải nỗ lực tìm thêm nguồn cung LNG từ Trung Đông, Na Uy hay Azerbaijan… như một phương án dự phòng.