Chặng đường vẫn còn dài

ANTĐ - Chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Kinh tế nói chung, khu vực tài chính nói riêng bắt đầu ổn định trở lại. Mặc dù tăng trưởng GDP chậm hơn nhưng lạm phát giảm nhanh, thâm hụt cán cân thương mại thu hẹp mạnh, áp lực lên VND giảm. Đó là báo cáo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012.

Về triển vọng ổn định của nền kinh tế, theo Phó Giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều quan trọng nhất đối với các cơ quan hoạch định chính sách là phải tái lập được niềm tin thị trường. Đã từng trải qua một giai đoạn bất ổn kinh tế, bất ổn tỷ giá, song Chính phủ đã tái lập niềm tin thị trường khi triển khai Nghị quyết 11 cách đây một năm. Quá trình này đã đem lại một số tiến bộ đáng kể, tỷ giá hối đoái đã ổn định và lạm phát đang giảm mạnh. Tuy nhiên vẫn còn là một chặng đường dài khó khăn phải vượt qua. Theo IMF, việc giải quyết nguy cơ rủi ro của các ngân hàng nhỏ yếu kém cùng với việc cải thiện năng lực quản trị của các ngân hàng này sẽ phải mất không ít thời gian. Còn nhiều việc phải làm để củng cố chính sách tài khóa xét về mặt hỗ trợ kiềm chế lạm phát. IMF khuyến cáo, Ngân hàng Nhà nước cần phải tiến hành một cách thận trọng. Bởi vì lạm phát bắt đầu giảm tốc độ sẽ tạo dư địa cho việc nới lỏng tiền tệ hoặc cắt giảm lãi suất. Thế nhưng nếu lãi suất cắt giảm quá nhanh có thể lại dẫn đến bất ổn vĩ mô và mất niềm tin.

Phân tích sâu hơn về việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa tiết kiệm chi thường xuyên, vừa cắt giảm đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cũng tỏ ra lo ngại vì tổng chi ngân sách Nhà nước vẫn có xu hướng tăng cao (100.167 tỷ đồng), vượt 13,8% so với dự toán, trong đó 23% số tăng chi là tăng cho đầu tư phát triển. Rõ ràng, kết quả này chưa thể hiện sự nhất quán trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công. Điều này gây ra áp lực lớn cho tái cấu trúc đầu tư công. Kết quả giám sát tổng thể các dự án do Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa hoàn thành cũng đưa ra những con số kém vui, nhất là các dự án nhóm A dùng vốn ngân sách.

Thực trạng này là hệ lụy kéo dài trong nhiều năm qua, theo phân tích của một ủy viên Ủy ban Kinh tế, nhưng chưa có đánh giá mang tính định lượng về hiệu quả của các dự án và công trình sử dụng nguồn vốn này. Trong khi nguồn vốn có hạn, ngành nào, nơi nào “chạy” được thủ tục sớm thì được giải ngân sớm, nơi nào chậm thì để lại. Kiểu cách này tất yếu dẫn đến hệ quả phá vỡ tính ưu tiên và tính đồng bộ. Vị ủy viên này thẳng thắn chỉ rõ tình trạng vốn rải khắp nơi, ngân sách phải trả lãi, dự án thì “dầm mưa dãi nắng”. Với cách phân bổ vốn đầu tư như hiện nay, không ít công trình, dự án rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân mới đây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần đưa toàn bộ vốn đầu tư Nhà nước, gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư Nhà nước ngoài ngân sách vào khuôn khổ chi tiêu trung hạn, tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi ngân sách.

Cải cách chính sách và tài khóa mà bắt đầu với kỷ luật tài khóa. Bởi vì kỷ luật tài khóa đã bị buông lỏng trong một thời gian dài. Theo ông Việt trưởng, đã đến lúc phải “siết” kỷ luật tài khóa mới thoát khỏi tình trạng đầu tư lớn, thâm hụt ngân sách cao mà hiệu quả lại thấp. Đây là một chặng đường vẫn còn dài ở phía trước.