Chăn nuôi “đói vốn” treo chuồng

ANTĐ - Dù Chính phủ đã có chỉ đạo nới tín dụng cho vay đối với chăn nuôi để giúp nông dân vượt qua khó khăn, song đến nay, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn là niềm mơ ước của phần lớn các trang trại chăn nuôi lớn nhỏ. Giá lợn thấp, lợn giống cũng đình trệ, hết chăn nuôi nhỏ lẻ, giờ trang trại lớn cũng chờ… phá sản.

Nhiều tháng qua, trang trại của ông Phùng Văn Mỵ (thị xã Sơn Tây) không bán nổi 1 con lợn giống

Rơi vào cảnh nợ nần vì lợn gà

Khắp các vùng nông thôn miền Bắc từ nhiều tháng nay, câu chuyện xung quanh con lợn, con gà mất giá luôn là chủ đề chính. Giá lợn thịt, gà thịt giảm mạnh, chăn nuôi lỗ vốn. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu gia đình đã treo chuồng từ lâu, nhưng đến nay, những trang trại lớn cũng ngao ngán vì giá lợn, gà mãi không tăng. Thị xã Sơn  Tây hiện là một trong những địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi lợn thịt, lợn giống lớn nhất cả nước, nhưng thời điểm này, cũng chẳng còn đâu cái cảnh nhộn nhịp chăn nuôi, nhà nhà nuôi lợn.

Ông Phùng Văn Mỵ, chủ trang trại lợn (giống và lợn thịt) lớn nhất ở xã Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết, ba tháng nay trang trại của ông không bán nổi một con lợn giống. Trang trại của ông Mỵ hiện có 200 lợn nái, hơn 600 con lợn thịt, mỗi tháng chi khoảng 350 triệu đồng tiền cám, điện, thuốc men, nhân công. Trong khi lợn không xuất chuồng được con nào, ngoài số nợ gốc 2,3 tỷ đồng ngân hàng mỗi tháng, ông đang phải cõng thêm gần 30 triệu đồng tiền lãi. “Giá lợn thịt hiện chỉ ở mức 42-43.000 đồng/kg, trong khi giá thành là 48.000 đồng/kg, nếu bán ra thì người chăn nuôi chịu lỗ 5.000-6.000 đồng/kg. Ai cũng cố nuôi cầm cự và cũng không dám tái đàn”, ông Mỵ nói.

Ông Mỵ tính toán, để duy trì đàn lợn hiện tại, trang trại của ông cần phải vay thêm 500 triệu đồng. Ông đã cạy cục mấy ngân hàng rồi, nhưng đều nhận được cái lắc đầu. “Tôi cầm “sổ đỏ” nhà đất đến phòng giao dịch Agribank Đông Sơn (thị xã Sơn Tây), vay 500 triệu đồng, nhưng họ không cho vay. Rồi vừa qua, tôi lại hỏi về chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo chỉ đạo của Chính phủ, họ nói “Chỉ thị thì ở trên, còn dưới này chưa có gì đâu”, ông Mỵ cho biết.

Chị Hoài, chủ trang trại Lâm Hoài (Xuân Mai, Chương Mỹ) nuôi hơn 3 vạn con gà đẻ nói mà như khóc: “Thế là phá sản, tay trắng rồi em ạ”. Theo chị Hoài, năm 2008, được một số người bạn tư vấn, chị đã bỏ ra hơn chục tỷ đồng đầu tư trang trại gà đẻ quy mô, bài bản, rộng 3ha. Qua vài năm đầu, trang trại đã cho lãi, nhưng năm nay, thị trường trứng gà xuống đáy, chờ mãi giá không lên, không còn cách nào để cầm cự. Chị Hoài đã phải bán toàn bộ trang trại gà đẻ, chấp nhận lỗ gần 4 tỷ đồng. Ba bốn tháng nay, trang trại bỏ không.

Vốn không đến nông dân

Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội cho biết, trước đây, tổng đàn lợn toàn HTX là 170.000 con, trong đó có khoảng 25.000 con là của trang trại tư nhân, phần còn lại là nuôi gia công cho các công ty lớn. Nhưng hiện tại, trang trại tư nhân đã giảm 30-35% tổng đàn lợn, gà cũng giảm đến 40-50%.  “Giá lợn, gà đang thấp, cám bã tăng liên tục, nợ ngân hàng thúc giục, lại không cho vay mới, người nuôi cầm chắc cái lỗ nên đã bỏ chuồng. Đến nay trong HTX chưa thấy ai được giãn nợ như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, mà mới kéo lãi suất khoản vay cũ xuống 15%”, ông Chiến bộc bạch. Còn vay mới, lãi suất 11%, ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, nhưng nhiều người có tài sản thế chấp như ông Mỵ cũng không vay được. Cũng bởi vậy, hết trang trại nhỏ, giờ đến các trang trại lớn ở Cổ Đông đang trực chờ phá sản.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng cục Chăn nuôi cho biết, gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng cho chăn nuôi nếu được khơi thông sẽ là động lực để giúp ngành chăn nuôi. Gói này dùng để khoanh, giãn nợ cũ, giảm lãi vốn cũ và cho vay nợ mới. Tuy nhiên, hiện nhiều trang trại không còn gì thế chấp để vay mới, trong khi đàn gia súc, gia cầm lại không phải tài sản thế chấp được cũng là cái khó của người nuôi. Cục Chăn nuôi đang theo dõi sát tình hình, đồng thời có công văn chỉ đạo các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành.