Cha mẹ có được lấy lại đất đã tặng, cho, khi bị con ngược đãi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hàng loạt vụ con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà sau khi đã được tặng, cho đất gây bức xúc trong dư luận, nhiều người đặt câu hỏi, nếu con không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, cha mẹ có được lấy lại đất đã cho?

Theo quy định hiện hành, việc tặng, cho quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Nghĩa là việc tặng, cho hoàn tất kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Hơn nữa, tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) cũng không thể hiện quyền được lấy lại đất sau khi sang tên sau khi việc tặng cho đã có hiệu lực.

Ngoài ra, khi được sang tên sổ đỏ, người nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng được cấp Giấy chứng nhận mới và được ghi tên tại trang bìa của Giấy chứng nhận đó hoặc được ghi tại trang 4 Giấy chứng nhận nếu vẫn giữ sổ cũ.

Bên cạnh đó, họ còn được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai;

Được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai…

Như vậy, dù sau khi được tặng cho nhà đất, con cái không thực hiện nghĩa vụ của mình, có hành vi ngược đãi cha mẹ thì cha mẹ cũng không có quyền lấy lại đất đã tặng cho vì khi thực hiện hành vi này, các bên đều tự nguyện, không lừa dối, cưỡng ép nên không có căn cứ để Tòa án tuyên vô hiệu. Bên cạnh đó, việc tặng cho đã hoàn tất và đã có hiệu lực.

Còn nếu việc tặng cho chỉ thể hiện bằng lời nói, chưa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì bên tặng cho “có thể” lấy lại nhà, đất.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, trường hợp có đủ căn cứ cho rằng, con cái sau khi được cha mẹ tặng cho nhà đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ của mình, có hành vi hành hạ, ngược đãi cha mẹ thì sẽ bị phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, theo Điều 53, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi ngược đãi, không phụng dưỡng cha mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 185 BLHS 2015 sửa đổi về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu.

Cụ thể, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, thuộc một trong những trường hợp thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu… thì bị phạt tù từ 2-5 năm.